You are currently viewing Tôn Tử Binh Pháp: Nghệ thuật dụng binh hơn 2000 năm tuổi

Tôn Tử Binh Pháp: Nghệ thuật dụng binh hơn 2000 năm tuổi

Binh Pháp Tôn Tử nổi tiếng với 36 kế đã rất thân thuộc với độc giả. Tiếc rằng Tôn Tử không thực sự là tác giả của cuốn binh pháp Tam Thập Lục kế đó. Ở đây có đôi chút hiểu lầm.

“Tam Thập Lục Kế” Không phải sách của Tôn Tử.

Ba mươi sáu kế được cho là của Tôn Tử thời Xuân Thu, hoặc của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Nhưng cả hai đều không được các sử gia coi là tác giả đích thực của tác phẩm này. Có một quan điểm phổ biến cho rằng 36 kế bắt nguồn từ lịch sử thành văn và truyền khẩu, với nhiều phiên bản khác nhau được biên soạn bới các tác giả khác nhau trong suốt lịch sử Trung Quốc. Một số mưu kế tham khảo xảy ra vào thời của Tôn Tẫn, khoảng 150 năm sau khi Tôn Tử qua đời. (Kế Vây Ngụy Cứu Triệu, Quan Môn Tróc Tắc…)

Theo các nhà nghiên cứu, con số 36 chỉ là một biểu tượng rút ra từ kinh dịch ám chỉ số lượng nhiều. Nó như là một điển cố, rồi được các đời sau viết thêm vào cho đủ số lượng. Người phương đông nhìn chung đều rất yêu thích các con số. Nên số “36 kế” hàm ý tượng trưng cho “nhiều kế” – chứ không mang tính hạn chế.

Tóm lại, Tam Thập Lục Kế không phải sách của Tôn Tử. Dù rằng sách đó có giá trị tham khảo rất cao. Sự nhầm lẫn này có thể là do trong Tam Thập Lục Kế sử dụng rất nhiều câu trích dẫn từ Tôn Tử Binh Pháp để giảng giải. Vậy, Tôn Tử Binh Pháp thật sự là như thế nào?

Về Tôn tử

Tôn Vũ (545 TCN – 470 TCN) tên chữ là Trường khanh, là một danh tướng kiệt xuất của nước Ngô ở cuối thời Xuân Thu, nhờ cuốn binh thư của mình mà được tôn thành Tôn Tử. Bởi vì ông ở nước Ngô, nên còn được gọi là Ngô Tôn Tử, để phân biệt với Tôn Tẫn (hay còn được gọi là Tề Tôn Tử, là người nước Tề ở thời chiến quốc).

Cách dụng binh của Tôn Vũ đòi hỏi sự sáng tạo thông qua việc quan sát và tận dụng các thông tin hữu ích từ trạng thái và môi trường của chiến trường. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là “Tất cả chiến tranh đều dựa trên sự lừa dối”. Để đánh lừa kẻ thù thành công, người ta phải có khả năng sử dụng các chiến thuật bên ngoài phạm vi kiến ​​thức thông thường. Nói cách khác, các trò lừa hiệu quả cần có sự đổi mới và sáng tạo.

Nội dung của Tôn Tử Binh Pháp

Là sách nói về cách dụng binh. Tôn Tử Binh Pháp nói về cách quản trị một cuộc chiến. Cách quản lý từ con người tới vật tư, vũ khí. Cách lợi dụng địa hình, chọn thiên thời hay nuôi quân dưỡng tướng.

Cuốn Tôn Tử Binh Pháp được chia thành 13 Thiên (có thể hiểu là 13 chương). Mỗi “Thiên” nói về một chủ đề khác nhau. Và đều rất ngắn ngọn súc tích.

Khác với hầu hết sự tưởng tượng của mọi người. Tôn Tử Binh Pháp không chỉ nói về “Kế” hay là những mưu mẹo, thủ đoạn để giành thắng lợi. Binh pháp của Tôn Tử thực ra lại là một cuốn sách rất có chiều sâu về nghệ thuật dụng binh. Từ khâu chuẩn bị, lên kế hoạch, hành quân, xếp quân, công thành hay lui binh.  Đặc biệt là nghệ thuật đọc vị cuộc chiến. Ví dụ như đoạn này:

Chim bay lên, phục.

Muồn chạy quàng, úp.

Thấp mà rộng, bộ đến.

Tan mà vắt vẻo, kiếm củi.

Ít mà trở đi trở lại, cắm đinh.

Lời nhún mà phòng bị thêm, tiến.

Lời quyết mà tiến đánh mạnh, lui.

Xe nhẹ ra trước để ở bên cạnh trận.

Không hẹn mà xin hòa, mưu.

Chạy chọt mà bày xe binh, kỳ.

Nửa tiến, nửa lui, nhử.

Đứng dựa đồ binh, đói.

Vực mà uống trước, khát.

Thấy lợi mà không tiến, nhọc.

Chim đậu, rỗng.

Mỗi một câu trong “Thiên Cửu Biến” là một tình thế mà khi hành quân có thể sẽ gặp. Lời của người xưa, cũng cần người xưa giải nghĩa. Chữ viết trên thẻ tre phải rất ngắn gọn. Giờ chúng ta đọc trơn như vậy khó hiểu hết. Thành ra trong các bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, có thêm lời biện giải của Đỗ Hựu, Đỗ Mục, Lý Thuyên, Hồ Mạnh, Tào Công, Trương Dự…

Ví dụ như câu “Đứng dựa đồ binh, đói”, có thể hiểu rằng nếu 2 quân đối diện nhau. Nếu thấy binh của đối phương phải đứng dựa vào giáo mác thì rõ ràng rằng quân đang đói mệt.

Ảnh hưởng của Tôn Tử Binh Pháp tới hậu nhân

Có rất ít sách được vận dụng kỳ lạ như Tôn Tử Binh Pháp. Mặc dù được viết ra với mục đích ban đầu là huấn luyện sĩ tướng đánh trận, nhưng lý thuyết của Tôn Tử Binh Pháp đã vượt qua lý thuyết quân sự thông thường. Các lý luận trong sách đã được áp dụng rộng rãi trong cả kinh tế, ngoại giao, quản lý, các trận đấu thể thao hay đàm phán. Thâm chí, cả trong các hoạt động ứng nhân xử thế. Rất nhiều ý tưởng của cuốn sách có thể áp dụng khi cần đưa ra các quyết định lớn nhỏ.

Tôn Tử Binh Pháp cũng là một trong số ít các cuốn sách cổ của phương đông được đón nhận nhiệt tình ở phương tây. Cuốn sách súc tích với hơn 8000 chữ. Được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ và phổ biến trên toàn thế giới. Cuốn sách cũng được các nhân viên CIA, FBI thuộc lòng.

Nếu Tôn Tử bây giờ còn sống có lẽ tiền bản quyền cũng đủ giúp ông trở thành người giàu nhất nhì trái đất nhỉ!?

Tại Việt Nam, Tôn Tử Binh Pháp đã được dịch ra quốc ngữ nhiều lần. Nhưng bản dịch của cụ Trúc Khê Ngô Văn Triện (1901-1947) vẫn là bình dị dễ hiểu hơn cả. Trên tay Nam Hải chính là bản dịch của cụ được nhà xuất bản Hồng Đức và công ty Nhã Nam in lại. Bản sách rất đẹp. Sách cũng mỏng nữa. Cầm vừa tay và nội dung súc tích. Đọc sách thấy thiên binh vạn mã như đang xem phim Đông Tru Liệt Quốc hay Tam Quốc Diễn Nghĩa vậy. Quả thực là một cuốn sách tốt.

Một đoạn trích tâm đắc

Thú thực là khi cầm trên tay cuốn Tôn Tử Binh Pháp mình rất xúc động. Đây là một cuốn sách kỳ lạ. Sách viết nghệ thuật chiến tranh nhưng không có tính hiếu chiến như mấy cuốn sách của Robert Greene( Ví dụ như cuốn 33 chiến lược của chiến tranh, hay 48 nguyên tắc của quyền lực). Tôn Tử là người xông pha trận mạc, ông ấy hiểu chiến tranh là xương tan máu chảy, là nước mất nhà tan. Là mưu sĩ, Tôn Vũ hiểu cái giá của chiến tranh dù nhân danh bất kỳ mục đích nào. Đây là khía cạnh nhân văn của cuốn sách cũng như con người Tôn Tử.

“Sự đánh nhau, đánh lâu mới thắng thì nhụt đồ binh, cùn khí mạnh, đánh thành thì sức kiệt.

Đem quân phơi dãi lâu thì khoản tiêu dùng trong nước phải không đủ.

Này cùn binh nhụt khí, cạn sức hết tiền, thì chư hầu sẽ thừa dịp núng của mình mà khởi lên, tuy người có trí năng cũng chẳng thể giữ trọn vẹn trước sau được.

Cho nên việc dụng binh, nên rằng vụng mà chóng, chứ không khéo mà lâu” – Trang 43.

Đi cùng một con đường, sẽ gặp cùng một khúc cua. Bất kỳ bậc trí nhân nào khi nghĩ về chiến lược đều có những tư duy đồng điệu. Ví dụ như đoạn trên có thể khái quát cho chiến lược “Economy of force” (Tối ưu sử dụng nguồn lực). Đây là một trong 9 Nguyên tắc Chiến tranh, dựa trên phương pháp tiếp cận chiến tranh của vị tướng Phổ, Carl von Clausewitz (1780-1831).

Trong lãnh vực kinh tế cũng vậy, tối ưu được “chi phí” chính là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp. Một tấm gương rất lớn chính là cựu chủ tịch của Panasonic, ông Matsushita Konosuke. Có một câu chuyện là khi nền kinh tế khủng hoảng, ngoài việc tiết giảm mọi chi phí không cần thiết của các nhà máy. Ông yêu cầu nhân viên tiết kiệm “từng tờ giấy” một, tắt bớt cả “đèn điện” ở các xưởng. Ông giải thích rằng, biên lợi nhuận của công ty sụt giảm, thì chi phí công ty sẽ càng phải sụt giảm theo. Người Nhật kị nhất là sa thải nhân viên, nên khi gặp khó khăn họ tiết giảm chi phí cố định bằng mọi giá.

Còn rất nhiều cầu chuyện nữa mà độc giả có thể liên kết tới các chiến thuật, chiến lược trong Tôn Tử Binh Pháp. Đây là cuốn sách không nên thiếu cho bất kỳ doanh nhân nào.

Tham Khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_m%C6%B0%C6%A1i_s%C3%A1u_k%E1%BA%BF

Nam Hải