Lãnh đạo thức tỉnh(2008) được Đạt Lai Lạt Ma và Laurens Van Den Muyzenberg cùng thảo luận và xuất bản. Là cuốn sách giao thoa giữa tâm lý học phật giáo và kinh tế học. Qua đó hai tác giả thể hiện mong muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường có trách nhiệm. Hướng tới hòa bình và thịnh vượng trong thế giới mà quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Trước tiên, xin cảm ơn Bạn Đỗ Cao Nguyên đã tặng sách này cho Nam Hải.
Về tác giả cuốn Lãnh Đạo Thức Tỉnh (Theo Wiki).
Đạt Lai Lạt Ma không phải là tên riêng. “Đạt Lai” là từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là biển cả. Lạt Ma là tiếng Tây Tạng được dịch từ tiếng Phạm là danh xừng của các vị Đạo Sư. “Đạt-lại Lạt-ma” có nghĩa là “Đạo sư với trí tuệ như biển cả”. Trong lối dùng hàng ngày nhiều người còn dùng Phật Sống để chỉ Đạt-lại Lạt-ma. Theo đó, Đạt Lai Lạt Ma là danh hiệu của người lãnh đạo chính trị và tinh thần của người Tây Tạng. Mỗi vị Đạt Lai Mạt Ma được xem như vị thần tái sinh của vị trước. Vị Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là người thứ 14, đang sống lưu vong tại Ấn Độ từ năm 1959 tới nay. Ông có tên thật là Tenzin Gyatso. Ông sinh năm 1935 (nay đã 85 tuổi rồi). Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc hiện nay trên thế giới.

Laurens Van Den Muyzenberg là chuyên gia tư vấn quản lý quốc tế đã sống và làm việc tại Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Chile, Bahrain, Ấn Độ và Nhật Bản. Ông ấy nói bảy thứ tiếng. Công việc của ông tập trung vào việc cải thiện hiệu suất quản lý và điều hành doanh nghiệp. Thông tin cá nhân về ông ấy thực sự… rất ít.
Góc nhìn mới lạ với người phương tây. Cách trình bày quá phân mảnh. Rào cản ngôn ngữ lớn.
Cuốn “Lãnh đạo thức tỉnh” được chia làm ba phần. Lãnh đạo bản thân, lãnh đạo tổ chức và lãnh đạo trong thế giới đa phương. Nội dung là sự pha trộn giữa tinh thần phật giáo và nghệ thuật quản trị kinh doanh. Xuyên suốt cuốn sách, điều hai tác giả muốn chứng minh nhất là khi có “chính kiến đúng” và “hành động đúng” thì công việc của các nhà lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn nhiều. Các công ty sẽ không chỉ hoạt động vì lợi nhuận, mà còn có trách nhiệm với cổ đổng, người lao động và khách hàng. Và cả thị trường toàn cầu hóa với hệ thống tư bản sẽ trở nên có trách nhiệm hơn.
“Cuối cùng, điều mà phần lớn mọi người tìm kiếm chính là một biện pháp để có được hạnh phúc.”
Nhược điểm lớn nhất của cuốn sách chính là nội dung bị phân mảnh. Vấn đề này khó tránh, vì hai tác giả tới từ hai nền văn hóa khác nhau và giao lưu khi cả hai đều đã lớn tuổi. Rào cản ngôn ngữ của họ cũng rất lớn. Phần lớn cuốn sách này Nam Hải cho rằng do Laurens chắp bút. Pha trộn những quan điểm và những tư tưởng về phật giáo ông tiếp thu được từ một người thầy vĩ đại là Đạt Lai Lạt Ma.
Laurens dù có biết tới 7 ngôn ngữ chắc chắn cũng đã gặp nhiều khó khăn với ngôn ngữ văn hóa Tây Tạng. Tiếng Phạm là một ngôn ngữ cổ. Dù Đạt Lai Lạt Ma có biết tiếng anh và cố gắng giải thích cho ông hiểu thì vẫn có nhiều rào cản. Thêm một nữa, đó là do dịch sang tiếng việt.
Ví dụ: Từ “Chánh Kiến”, là từ miền nam. Miền bắc thì dùng từ “Chính kiến”. “Chánh” hay “Chính” là từ mà tới các cụ cũng còn tranh cãi. Chính là đúng nhưng cả nước ta chẳng ai dùng tư “Chính văn phòng”, mà lại dùng là “Chánh Văn Phòng”. Hay như từ “holistic” nghĩa tiếng anh là “toàn diện”, “tổng thế”. ý của Đạt Lai Lạt Ma là khuyên Laurens nên nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Hãy nhìn nhận vấn đề trọn vẹn, như “bản chất của chính nó”. Nếu dịch là “Chỉnh thể” – nghĩa là một khối thống nhất của nhiều bộ phận hợp thành lại có vẻ mang tính cấu trúc hơn, tối nghĩa hơn, khó hiểu hơn.
Nam Hải nói rõ điều này để độc giả tiên liệu. Để có một cuốn sách hay cho chúng ta đọc thì tác giả và dịch giả cũng rất vất vả. Phê bình là việc dễ, thấu hiểu là việc khó. Đọc xong được cuốn này thì chắc chắn các “lãnh đạo” cũng rất kiên nhẫn rồi!
Đôi chút về phật giáo
Đức phật đầu tiên chưa từng có ý muốn xây dựng một tôn giáo. Vì lòng từ bi mà cứu giúp nhân loại. Để truyền lại kiến thức giác ngộ của mình cho các môn đệ, ngài cũng không dùng giấy bút. Mọi lời răn đều là khẩu quyết truyền miệng. Đến các đời sau các đệ tử mới quy tập lại thành các quyển kinh. Nói về phật giáo sơ khai thì phần “lý luận” giản đơn đến kinh ngạc. Để hiểu giáo lý bạn bắt buộc phải tự trải nghiệm. Để tu tập, bạn phải tự làm mọi việc. Phải tự tuân theo bát chánh đạo, tự hành thiền. Kỷ luật nội tâm của người tu hành cũng vì thế cao hơn rất nhiều so với người thường.
Nhiều người tưởng lầm rằng đi tu là từ bỏ đấu tranh, xa rời thế tục. Thực ra tu tập lại là việc đấu tranh vô cùng dữ dội trong nội tâm. Cần rất nhiều ý chí và nỗ lực. Hành thiền là duy trì khả năng thức tỉnh liên tục về bản thân. Tham dự một khóa tu là một trải nghiệm mà chắc chắn bạn nên thử. Để hiểu hơn về phật giáo bạn có thể tìm đọc cuốn Kinh Bảo Pháp Đàn. Đây là cuốn sách viết về Lục Tổ. Rất dễ đọc và có nhiều lời bình giảng dễ hiểu.
Trong giới doanh nhân ở Việt Nam cũng có 2 lãnh đạo cấp 5 đều đang là phật tử. Hai lãnh đạo đều là những người công đức và làm từ thiện rất nhiều. Dù có công bố hoặc giữ bí mật. Họ đều là những nhà lãnh đạo có tài của nước ta hiện nay.
Tư duy đúng về nghệ thuật lãnh đạo: Hãy tự quản trị bản thân trước tiên!
“Cách tốt nhất cho một vị vua lãnh đạo một vương quốc là trước hết hãy trị vì chính bản thân mình.”
Lãnh đạo cũng là tấm gương cho mọi người noi theo. Người đi theo nhìn thấy lãnh đạo trước khi nhìn thấy tầm nhìn của lãnh đạo.
Có rất nhiều sách nói về thuật tự quản trị. Trong cuốn Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo của John C.Maxwell có nói về Tính nhất quán, Tự kỷ luật, tầm nhìn, quản trị sự thay đổi và phát triển đội ngũ đều có xuất phát điểm là tự quản trị bản thân.
Trước đây, phải mất hàng thập kỷ thì sự thay đổi mới diễn ra, nhưng bây giờ có những sự thay đổi chỉ cần dưới một năm để hoàn tất. Và con người chưa quen với sự thay đổi nhanh đến vậy.
Trong kinh doanh, đối mặt với nhiều sự biến động. Sự thay đổi không ngừng thị trường. Nếu bạn không đủ bản lĩnh thì sẽ dễ dàng bị dao động. Khi bạn dao động, sẽ dẫn tới nhiều quyết định lầm lạc khó tránh. Vậy nên nghệ thuật lãnh đạo nền tảng cũng là nghệ thuật tự quản trị bản thân, sau đó mới là quản lý doanh nghiệp.
Hai điểm Nam Hải muốn bàn luận trong cuốn “Lãnh Đạo Thức Tỉnh”
Mục tiêu của cuốn sách là giúp các nhà lãnh đạo nhìn ra trách nhiệm của bản thân với chính mình, với công ty, với xã hội. Theo đó trong nội dung cuốn sách có 2 điểm mà theo Nam Hải muốn bàn luận.
Trước tiên là vấn đề về mặt sinh học.
“Khi con người đang chìm đắm và đau đớn trong đau khổ, họ không thể hiểu được những lời dạy tôn giáo.” – Trang 150
Homo sapiens là một giống loài có đột biến về hệ thống thần kinh. Chúng ta thông minh hơn nhiều giống loài khác. Nhưng chúng ta vẫn là một giống loài sống nhờ vào chu trình cacbon. Các trạng thái tâm lý của chúng ta… phụ thuộc rất lớn vào không khí mà chúng ta hít thở, âm thanh mà chúng ta nghe thấy và thực phẩm mà chúng ta ăn. Đương nhiên, cả do gen của chúng ta nữa. Vì vậy, tĩnh tâm không phải là việc bạn cứ nỗ lực từ bên trong là đạt được. Quản trị bản thân vì vậy không chỉ cần kiến thức về vô thường, vô ngã và vô minh… Mà cần cả kiến thức về thế giới quan và thực phẩm chức năng.
Hành thiền có tắc dụng rất tốt với não bộ. Song nên có thêm điều kiện từ môi trường, tránh các tác nhân gây rối loạn tâm tư. Đó cũng là lý do vì sao các tu sĩ phải giữ “giới luật”. Trong “lãnh đạo thức tỉnh”, nói chưa nói nhiều về vấn đề sinh học này. Đương nhiên là ngoài phạm vi của cuốn sách. Đó là điểm Nam Hải muốn mở rộng cho độc giả.
Điểm cần bàn luận tiếp theo là vấn đề về động cơ.
Các quốc gia, nền kinh tế thị trường và các doanh nghiệp có rất nhiều động cơ thúc đẩy. Người mua và người bán có quá nhiều động cơ để ra các quyết định độc lập với nhau. Chúng đan xen và phức tạp tới nỗi nhà kinh tế học Adam Smith đã gọi chúng là lực đẩy của Bàn tay vô hình(invisible hand). Có doanh nghiệp được ra đời để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể với rất ít trách nhiệm. Nên người ta mới gọi là trách nhiệm hữu hạn (Chỉ có trách nhiệm trong số vốn điều lệ). Do vây, không thể yêu cầu một “công ty trách nhiệm hữu hạn” phải có trách nhiệm nhiều hơn mục đích ra đời của nó.
Vấn đề về khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội cũng thế. Nếu một xã hội công bằng toàn diện thì sự phát triển sẽ về “không”. Không có “lợi nhuận” thì sẽ chẳng còn doanh nghiệp. Thực tế thì “thị trường tự do có tránh nhiệm” gần như không tồn tại. Sẽ không bao giờ tồn tại một cuộc sống tươm tất cho tất cả mọi người. Sự bất bình đẳng là điều bình thường của quá trình phá triển xã hội. Ngắn gọn lại, Không bất bình đẳng – không phát triển.
“Lãnh đạo thức tỉnh” theo đó chắc chắn không có ý định xây dựng một nền kinh tế, hay một xã hội hoàn hảo. Đích đến của tác giả là “thức tỉnh”. Tức là các lãnh đạo có thể lựa chọn: Sống một cuộc đời hạnh phúc hơn. An toàn hơn. Không vi phạm pháp luật. Không gặp rủi ro về mặt xã hội. Mà vẫn kiến được nhiều lợi nhuận.
Trên tay Nam Hải là cuốn “lãnh đạo thức tỉnh”, quan điểm phật giáo giao thoa với kinh tế thị tường rất thú vị. Tiếc là Nam Hải thấy rằng chưa được làm tới bến. Còn hạn chế xong cũng đáng để các nhà lãnh đạo đón đọc.
Lời bình dành cho cuốn “Lãnh đạo thức tỉnh”:
“Xem xét chủ nghĩa tư bản và đạo Phật theo một cách thức đầy lôi cuốn, và bổ sung thêm một khía cạnh đáng giá cho những giá trị và tiêu chuẩn đạo đức cấu thành nên cơ sở của sự lãnh đạo có trách nhiệm trong doanh nghiệp.” – GS. C. O. Herkstroker, nguyên CEO và Chủ tịch Ban giám đốc của ING.
Nam Hải