You are currently viewing Phi Lý Trí (predictably irrational) của Dan Ariely

Phi Lý Trí (predictably irrational) của Dan Ariely

Dan Ariely là Giáo sư bộ môn kinh tế học hành vi tại MIT. Cuốn Phí Lý Trí là một cuốn sách nổi tiếng được xuất bản 2008. Cuốn sách đã chứng minh chúng ta phi lý trí hơn chúng ta tưởng, phi lý trí một cách thường xuyên và rất hệ thống.

Kinh tế học hành vi tác động mạnh tới cuộc sống của bạn nhiều hơn bạn tưởng.

Bạn có còn nhớ tới các môn kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô? Trong đó chủ đề chính là nghiên cứu về sự khan hiếm với quy luật cung – cầu nổi tiếng. Các định nghĩa như Chi phí cận biên, Tỷ suất lợi nhuận, Chi phí vốn, GDP… thêm mấy cái biểu đồ với toán học cao cấp. Thật là hàn lâm.

Các bạn có bao giờ đặt câu hỏi: Rõ ràng chúng ta đã học về kinh tế tại trường đại học nhưng hình như chúng ta có gì đó chưa biết thị trường? Mọi thứ trong thực tế vận động với nhiều bàn tay vô hình hơn các nhà lý thuyết vẫn nói. Sự thật là gì? Có rất nhiều sách sẽ giúp bạn mở rộng tầm mắt. Một trong số đó là phi lý trí.

Kinh tế học truyền thống cho rằng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tính toán giá trị của tất cả các lựa chọn và sau đó đi theo hướng hành động tốt nhất. Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta mắc lỗi và làm điều gì đó phi lý trí? Kinh tế học đưa ra câu trả lời: “Các lực lượng thị trường.” sẽ lao nhanh vào chúng ta và ngay lập tức đặt chúng ta trở lại con đường đúng đắn và lý trí. Trên cơ sở đó, đã có rất nhiều thế hệ các nhà kinh tế học từ thời Adam Smith có thể phát triển các kết luận sâu rộng về mọi mặt: Từ thuế và các chính sách chăm sóc sức khỏe đến việc định giá hàng hóa và dịch vụ.

Nhưng qua cuốn sách chỉ ra, chúng ta thật sự cách xa hơn nhiều so với vị thế của lý thuyết kinh tế học chuẩn thừa nhận. Ngoài ra, các hành vi phi lý trí của chúng ta không hề ngẫu nhiên hay vô nghĩa. Chúng có tính hệ thống và hoàn toàn có thể dự đoán được. Vì thế, điều chính kinh tế học chuẩn để tách nó ra khỏi tâm lý học ngây thơ là rất ý nghĩa. Đây chính là những gì lĩnh vực kinh tế học hành vi và cuốn sách cố gắng đạt được.

Nam Hải đọc Phi Lý Trí vào đầu năm 2018. Sau khi Nam Hải và đồng bọn thất bại thảm hại tại một dự án bất động sản mang tính địa phương. Sản phẩm tốt nhưng khách hàng luôn chê giá cao (Giá A). Tập đoàn lớn, nguồn lực gần như không hạn chế, vậy mà vẫn phải “thử và sai”. Thay vì nghiên cứu khảo sát chi tiết về khả năng triển khai thực tế. Chúng tôi đã quá say sưa trong cơn men thắng trận. Đẫn tới một kết quả vô cùng thất vọng.

Nguyên nhân thất bại vì sau được tổng kết thế này: “Sản phẩm của chúng ta không có lỗi. Lỗi là ở thị trường. Quà nhiều đối thủ để giá (Giá A-) cạnh tranh. Thành phố đó có quy hoạch quá tốt, dư địa (Các sản phẩm có giá B) phát triển còn nhiều. Và cuối cùng, khách hàng tại đó tính đặc thù cao.”

Về ba mức giá A, giá A- và giá B. Các bạn đọc trong sách sẽ hiểu. Cái được gọi là hiệu ứng nền hay hiệu ứng chim mồi không cần phải có IQ cao để biết. Nhưng bài học thực tế thì nó sẽ giống như ví dụ Nam Hải nói. Đầy sự ảo tưởng tới chua xót!

Mà nhục một nỗi là phi lý trí đã được xuất bản từ 2008. AlphaBook xuất bản ở Việt Nam từ 2010. Giá mà Nam Hải đọc cuốn này sớm hơn thì đã không mất mát nhiều như vậy.

Con người kinh tế thực sự phi lý trí một cách có hệ thống.

Trong Phi Lý Trí, Dan Ariely không đi sâu vào lý thuyết. Qua các thực nghiệm, Dan cố gắng giúp độc giả hiểu các hành vi lựa chọn và ra quyết định của con người kinh tế.

“Liệu cách chúng ta lựa chọn sự nghiệp, người bạn đời, quần áo và kiểu tóc cho mình có phải là các quyết định thông minh hay không? Hay chúng chỉ là những dấu ấn đầu tiên có phần ngẫu nhiên và lộn xộn?”

Trước tiên là Dan định nghĩa về tính tương đối:

Chúng ta luôn nhìn nhận về những thứ xung quanh trong mối tương quan với các sự vật khác. Chúng ta luôn so sánh công việc với công việc, kỳ nghỉ với kỳ nghỉ, người yêu với người yêu, loại rượu này với loại rượu kia.

Sau đó Dan dẫn dắt chúng ta hiểu về những quan điểm sai lầm của quy luật cung cầu. Cho thấy các hành vi bây đàn, tự bầy đàn, ký ức về mỏ neo đầu tiên ảnh hưởng tới “cảm nhận” của chúng ta về giá nhiều hơn chúng ta tưởng. Đắt hay rẻ là do ký ức và cảm xúc. Và rõ ràng là quy luật cung – cầu không phải dựa trên lý trí hay sở thích. Và hoàn toàn có thể bị chi phối bởi các yếu tố khác, các mỏ neo ký ức khác.

Phi lý trí thực sự là một cuốn sách rất hay. Phá vỡ nhiều tư duy thiên kiến. Nếu bạn cảm thấy nhạt khi đọc về các thí nghiệm kinh tế học hành vi thì có thể tua nhanh tới trang 121, phần nói về “ảnh hưởng của sự hưng phấn”. Khi người ta ở trạng thái lý trí “lạnh” và “nóng”, các lựa chọn đưa ra có thể sẽ rất khác nhau. Nhất là việc “có” hay “không” sử dụng ba con sói. Đây là một chương chắc chắn sẽ cho bạn biết lý do vì sao các đại gia hay mất tiền oan cho người tình. Những kẻ duy trì lý trí “lạnh” và luôn đi làm “nóng” lý trí của người khác phái để trục lợi.

Tiêu cực và tích cực đều có lợi và hại.

Hai chương cuối của Phi Lý Trí là phần nói về “hoành cảnh” và “tính cách”. Giải thích vì sao người trung thực – thực ra lại không trung thực như họ vẫn tưởng. Khi nào cái siêu tôi được kích hoạt và khi nào thì không.

Chúng ta có thể hy vọng xung quanh mình là những con người tốt bụng, có đạo đức nhưng chúng ta phải thực tế. Thậm chí, cả người tốt cũng không thể tránh khỏi những lúc bị chính suy nghĩ của mình làm cho mù quáng. Sự mù quáng này cho phép họ hành động để đạt lợi ích kinh tế mà bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức.

Mua nhà, bán nhà và Thiên kiến về sự sở hữu.

Rốt cuộc những người mua không muốn mua căn nhà của chúng tôi. Họ muốn mua căn nhà của họ. Đây đúng là một bài học rất đắt giá, và tôi ao ước rằng giá như chúng tôi đã có cảm nhận tốt hơn về sự tác động của những gì chúng tôi đã sửa đổi đối với những người mua nhà tiềm năng. – Trang 318

Xu hướng đánh giá quá cao những gì chúng ta sở hữu chính là một thành kiến cơ bản của con người  và nó phản ánh một xu hướng chung hơn, đó là sự say mê và quá lạc quan về bất kỳ điều gì liên quan đến bản thân chúng ta.

Tôi không cho rằng chúng ta có thể trở nên chính xác hơn và khách quan hơn trong cách chúng ta nghĩ về những đưa trẻ hay căn nhà của mình. Nhưng chúng ta có thể nhận ra rằng bản thân có những thành kiến như thế. Vậy nên cần phải tích cực lắng nghe những lời khuyên và phản hồi từ mọi người. – Trang 319

Thành kiến về sự sở hữu rất phổ biến. Ngay ở nước ta có một vài tập đoàn bất động sản cũng đang mắc bệnh tương tự. Họ xây những tác phẩm nguy nga tráng lệ… và để không. Đòi hỏi người mua nhà phải có cảm nhận về sự sang trọng và tao nhã như họ. Trong khi khách hàng chỉ cần một nơi ở đủ tốt. Hoặc họ xây ra cả khu đô thị… rồi không bán. Dù họ chẳng nợ ngân hàng. Nhưng đó vẫn là sự lãng phí hàng nghìn tỷ vốn hóa của thị trường. Trong khi xã hội thì còn bao nhiêu gia đình chưa có nhà để ở…Chỉ vì thành kiến sở hữu.

“Đến cuối đời mình làm được cái gì? Mình có cầm được một đống tiền đi sang thế giới bên kia không? Tôi vẫn hay nói đùa với anh em là tôi mà sang bên kia chỉ cần hai tay hai vali vàng mã là đủ rồi, hơn cũng không cầm theo được” – Tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Ngoài ra, cuối sách cũng có phần nói về cuộc khủng hoảng cho vay tín chấp dưới chuẩn năm 2008. Các bạn nghiên cứu về bất động sản nên đọc kỹ phần này nhé.

Kết luận

Tóm lại, chúng ta chưa khôn như chúng ta tưởng tượng. Chúng ta tưởng chúng ta hiểu bản thân nhưng thực ra chúng ta chẳng biết gì. Để biết thêm về cấu trúc não bộ bạn có thể tìm đọc cuốn Tuy Duy Nhanh và Chậm. Để biết thêm về con người kinh tế học bạn đọc thêm: Chó sủa nhầm cây; Da thịt trong cuộc chơi… những cuốn sách này có thể làm cho bạn tỉnh táo hơn.

Trên tay Nam Hải là Phi Lý Trí. Bản in năm 2018. Bìa mầu xanh và cam rất đẹp. Sách không quá dầy, có thể đọc hết trong vòng 2-3h nếu bạn có kỹ năng đọc nhanh. Giá hơi đẳng cấp cao. Chất giấy tốt. Là sách kinh tế nên rất hợp với các bạn làm kinh doanh.

Nam Hải