You are currently viewing Tuần làm việc 4 giờ: Bí quyết để trở thành triệu phú năm 2007

Tuần làm việc 4 giờ: Bí quyết để trở thành triệu phú năm 2007

Tuần làm việc 4 giờ là một cuốn sách Self-help nổi tiếng của Timothy Ferriss về nghệ thuật sống và làm giàu. Cuốn sách đã đứng hạng một của New York Times Bestseller và được xuất bán ra hơn 30 nước sau 1 năm phát hành.

Tay tôi lại đổ mồ hôi.

Tay tôi trên chiếc vô lăng đã toát hết mồ hôi. Phải rất lâu rồi tôi mới ở trạng thái như vậy. Một phần vi ánh nắng ban trưa chiếu xuyên qua kính rồi vẫn còn khá rát. Một phần vì cả cơ thể tôi đang căng ra như dây đàn. Ông chú dạy lái xe với chất giọng âm trầm: “Tay cứng thế. Cứ thả lỏng ra mà lái.”

Đó là một ngày cách đây không lâu. Tôi quyết định thực hành lái xe cao tốc buổi đầu tiên. Đi từ quốc lộ 5 lên sân bay Nội Bài. Trời nắng, đường vắng. Ống chú dạy lại bắt tôi nâng ga đưa chiếc Toyota Corolla đời 1996 lên tới 80km/h, khối động cơ cổ lỗ rít lên mỗi khi tôi đạp ga. Thật sự là một cảm giác nhớ đời.

Trong khoảnh khắc đó tôi chợt nhớ lại một cuốn sách đã đọc cách đây khá lâu, đó là cuốn :Tuần Làm Việc 4 GIỜ”, cuốn sách này có nội dung không như tiêu đề. Đại khái là nói về thế hệ New Rich (“Mới giàu”), và cách họ làm chủ cuộc sống. Mà nội dung chính của cuốn sách không phải là các trò đời, mưu mẹo bí ẩn gì cho cao. Lấy tiêu đề khiêu gợi là làm sao để hạ số giờ làm việc từ 48 giờ trên tuần xuống còn 4 giờ. Timothy Ferriss hướng dẫn độc giải tới với thế giới của sự tối giản, tập trung, tự động hóa và cả cách vượt qua những nỗi sợ hãi.

Thú thực tôi là một người vô cùng nhát gan. Dù rằng, tôi sớm đã nhận ra rằng nếu mình cứ tập trung thì mình kiểu gì cũng mình sẽ chơi ra trò. Nhưng sợ hãi là bản năng. Dám cá chắc rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng có nhiều nỗi sợ từ nhỏ tới to. Có nhiều thứ được phóng đại quá mức. Một số người thì cho rằng họ đủ gan dạ để chẳng còn sợ điều gì. Song đa phần nỗi sợ đều hiện hữu và khá chân thực: Đó là nỗi sợ về cơm áo gạo tiền.

Buổi tối hôm đó, tôi đã đọc lại cuốn Tuần Làm Việc 4 Giờ.

Cách trở thành triệu phú trong Tuần làm việc 4 giờ.

Muốn trở thành tỷ phú thì phải làm sao? Làm việc chăm chỉ ư? Thật sự chỉ có vậy thì chưa đủ. Hãy nhìn xung quanh bạn xem, những người làm việc chăm chỉ rất nhiều và đa phần đều chưa giàu có. Chúng ta phải thay đổi lại cách tư duy đi thôi! Hãy xuống khỏi con tầu đã lên nhầm!

Timothy Ferriss muốn độc giả thức tỉnh. Việc đầu tiên, anh ấy phân tích về thực tại. Một thực tại của rất rất nhiều lao động thời hiện đại. Đa phần chúng ta đều nhầm lẫn, hoặc chưa thực sự hiểu giá trị của năng lực lao động và sự khan hiếm.

Nhưng cả khi quyết tâm thay đổi, bạn sẽ còn gặp rất nhiều trở ngại trên con đường gia nhập hội “New Rich”. Mà theo Ferriss, để vượt vũ môn hóa rồng, bạn cần làm những việc sau:

Trước tiên, chúng ta phải thật tỉnh ngộ về tình trạng hiện tại của bản thân. Vượt qua những nỗi sợ hãi. Sau đó, chúng ta phải thật sự hiểu về nguồn thu nhập thụ động và thu nhập chủ động. Gia tăng nguần thu thụ động là yếu tố tiên quyết để trở nên giàu có. Bạn sẽ cần nắm vững cách “tự động hóa” công việc, tận dụng mọi sự hỗ trợ của internet và toàn cầu hóa.

Nhưng chưa hết, mỗi chúng ta còn phải biết cách hạn chế những thứ dư thừa. Nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin và nhiều thú vui giải trí. Những thứ sẽ ngốn thời gian của chúng ta một cách đầy ma mị. Loại bỏ càng nhiều “việc rác”, bạn sẽ càng dễ tập trung vào những việc có giá trị nhất của mình.

Cuối cùng, khi đã trở nên tự do hơn. Chúng ta cần biết phân phối tài lực một cách hợp lý. Đừng hy vọng vào một kỳ nghỉ hưu lâu dài. Hãy nghỉ hưu ngắn và xen kẽ. Lên một chuyến bay vượt qua dãy andes là một hình ảnh đầy lôi cuốn cho những người đam mê phiêu lưu.

Thật thú vị khi biết bí quyết lại lại chỉ gói gọn trong một cuốn sách. Chính là trong cuốn Tuần Làm Việc 4 Giờ này. Cuốn này có vẻ còn hay hơn so với sách bán chữ “Cha Giàu Cha Nghèo” của Robert Kiosaki. Tại đây, Ferriss luôn đốc thúc độc giả hành động. Ông vẽ ra viễn cảnh mà ở đó, mỗi người đều có cuộc sống với nhiều trải nghiệm và năng lượng. Cứ như vậy, một nguồn năng lượng tích cực rất lớn được Ferriss lan truyền tới hơn 30 quốc gia sau khi cuốn sách được xuất bản.

Làm việc 4 giờ trên tuần gây tranh cãi.

Sau khi Timothy Ferriss xuất bản cuốn Tuần Làm Việc 4 Giờ và được độc giả đón nhận đã có hai luồng ý kiến. Một phe ủng hộ tích cực, khen cuốn sách không tiếc lời. Họ cho rằng Timothy đã viết ra giải pháp cho cuộc sống đầy căng thẳng và mệt mỏi của họ. Giúp họ có những lựa chọn khôn ngoan hơn. Và một phe nữa, họ phản đối cũng kịch liệt. Phe phản đối cho rằng các cách mà Timothy đang làm thực ra chỉ là đẩy việc cho người khác và không phải ai cũng có xuất phát điểm thuận lợi được như anh, để có thể ngồi mát ăn bát vàng. Nếu ai cũng làm như Ferriss thì ai là người làm việc đây?

Dù phê phán hay ủng hộ thì có một sự thật. Đúng là không ai trong chúng ta có thể làm hết mọi công việc. Mỗi công việc đều có giá trị khác nhau và là một mảnh ghép trong nhiều hệ thống.

Thông qua cuốn sách, Timothy Ferriss chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng còn nhiều lựa chọn nữa mà chúng ta có thể đã bỏ qua. Timothy chỉ muốn độc giả trân trọng từng khoảnh khắc. Thời gian là thứ quý giá nhất. Còn phương thức, tài vận, là cách bạn lựa chọn. Mọi thứ đều là có thể!

Từ 2007 tới 2022, có nhiều thứ đã thay đổi.

Tuần Làm việc 4 Giờ được Timothy Ferriss viết vào năm 2007. Thời kỳ đó là những năm toàn cầu hóa trở nên thịnh hành. Các tập đoàn lớn của thế giới vươn vòi bạch tuộc tới khắp mọi nơi. Dưới sự hỗ trợ của internet, mọi thứ đã trở nên rất dễ dàng. Bill Gate còn trẻ và mọi thứ ông nói để trở thành châm ngôn (Lúc đó Bill là người giàu nhất thế giới và có một cuốn tự truyện được xuất bản năm 2004).

Mình nhớ cuốn “CEO ở Trung Quốc” được viết năm 2006, trong đó người phương tây vẫn quan điểm rằng thị trường Trung Quốc là thị trường phải chiếm cho bằng được. Bất chấp mọi công nghệ của họ bị sao chép, hệ thống của họ có bị vi phạm bản quyền, tiền lobby vỡ mặt và những trận rượu vỡ mật với các quan chức địa phương. Hay các cuốn sách khác như Thế giới Phẳng, Chiến lược đại dương xanh… được ưa chuộng.

Vào năm 2022, các công cụ mà Ferriss giới thiệu trong sách có thể không còn hữu dụng nữa. Toàn cầu hóa đã được thay bằng khu vực hóa. Chúng ta đang bình thường hóa với dịch bệnh và chiến tranh thương mại. Tự động hóa, Bitcoin, và các thiết bị di động đã lên ngôi dù rằng đang gặp lực cản vì các giới hạn công nghệ. Bất kể thế nào, Tuần Làm việc 4 Giờ vẫn là cuốn sách hay. Độc giả vẫn có thể xem cuốn này như một cuốn sách tạo động lực. Thay vì là một cuốn sách dậy làm giàu như năm 2007.

Các câu trích dẫn tạo động lực.

Như nhiều cuốn sách thuộc thể loại self-help khác, trong Tuần Làm Việc 4 Giờ có rất nhiều các câu trích dẫn tạo động lực, có nhiều câu cũng rất hay, tiện tay nên Nam Hải cũng ghi lại một ít tại đây:

Bất cứ khi nào thấy mình đang thuộc về số đông, đó là lúc bạn phải dừng lại và suy ngẫm – Mark Twain

Bất cứ ai sống với những giới hạn bó buộc đều thiếu trí tưởng tượng. – Oscar Wilde

Bạn có muốn tôi đưa cho bạn một công thức thành công không? Rất đơn giản, hay nhân đôi tần suất thất bại của bạn. – Thomas J.Watson, nhà sáng lập IBM.

Nhân tiện, Thomas J.Watson oai hùm nhưng rất nể vợ nhé anh em. Có mấy điển tích về ông ấy thú vị lắm. Anh em nào muốn tìm hiểu về IBM và thời kỳ đầu vàng son của ngành công nghệ thông tin có thể tìm đọc tự truyện của bác ấy.

Sự giàu có của một người tỉ lệ thuận với số công việc anh ta chuyển giao cho người khác. – Henry David Thoreau, nhà tự nhiên học.

Điều con người thực sự cần không phải là trạng thái không có căng thẳng, mà là được cố gắng và đấu tranh cho mục đích đáng giá – một nhiệm vụ được tự do lựa chọn. – Victor. E. Franki – Tác giả cuốn Man’s Search for meaning.

Nhà máy của tương lai sẽ chỉ có hai công nhân, một người đàn ông và một chú chó. Người đàn ông tới nhà máy là để cho chú chó ăn. Còn chú chó ở nhà máy là để giữ cho người đàn ông không động tay vào máy móc. – Warren G.Bennis, giáo sư môn quản trị kinh doanh thuộc trường đại học Nam California; Cố vấn của Ronald Reagen và John F.Kennedy

Nam Hải