You are currently viewing Tư Duy Tối Ưu của Stephen R.Covery: Cách nghĩ và cách làm của người thành công

Tư Duy Tối Ưu của Stephen R.Covery: Cách nghĩ và cách làm của người thành công

Tư Duy Tối Ưu (First Thing First) là cuốn sách về quản lý thời gian được xuất bản năm 1994 của tác giả Stephen R. Covey. Cuốn sách giúp độc giả có một khuân mẫu tư duy để ưu tiên những điều quan trọng, giúp xây dựng thói quen để đạt được các mục tiêu dài hạn.

Là cuốn sách thứ hai của tiến sĩ Stephen

Năm 1989, Tiến sĩ Stephen xuất bản cuốn “7 Thói Quen Của Người Thành Đạt”. Cuốn sách giúp mọi người nhận thức được những thói quen chính có ở tất cả những người làm việc hiệu quả. Thành công của cuốn sách đã giúp Stephen R.Covery trở nên nổi tiếng. Ước tính đã có hơn 30 triệu bản của cuốn sách này đã được bán trên khắp thế giới cho đến nay.

Nam Hải có một lời khuyên là độc giả nên đọc Cuốn “7 Thói Quen Của Người Thành Đạt” trước khi đọc Tư Duy Tối Ưu. Vì nội dung 2 cuốn này có nhiều phần trùng lặp. Vẫn là lược đồ “Quan Trọng – Khẩn Cấp” thần thánh!

Vậy tại sao tác giả còn viết thêm cuốn sách này? Theo Nam Hải thì ngoài lợi ích tài chính cho tác giả, còn lợi ích khá lớn khác cho các độc giả.

Bạn biết rồi, “kinh nghiệm” rất khó để truyền thừa từ cao nhân sang người bình phàm như chúng ta. Hầu như ai cũng có thể biết về những thói quen để thành công. Song thực hành theo, và gặt hái được kết quả lại là điều rất ít người làm được. Với cuốn “7 Thói Quen Của Người Thành Đạt”, Tiến sĩ Stephen đâu đó vẫn mang tính liệt kê. Với cuốn Tư Duy Tối Ưu, tác giả muốn giúp độc giả tự luyện được tư duy về quản lý bản thân.

Do vậy, về “lý thuyết” sẽ không còn nhiều khác biệt. Nhưng độc giả đọc hai cuốn sách này sẽ có “hành động” khác nhau.

Cái La Bàn và Chiếc Đồng Hồ

Đây là các câu hỏi mà cuốn Tư Duy Tối Ưu sẽ giúp độc giả tự trả lời:

  • Làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?
  • Làm thế nào để cuộc sống của tôi khác đi?
  • Tại sao chăm chỉ làm việc mà tôi vẫn nghèo?
  • Điều quan trọng nhất trong đời là gì?
  • Ngay lúc này, tôi nên làm gì?

Theo tiến sĩ Stephen, đối với nhiều người trong chúng ta luôn có khoảng cách rất lớn giữa những việc quan trọng thật sự cần làm và những việc thực tế mà chúng ta làm. Ông dùng hình ảnh chiếc la bàn và cái đồng hồ để minh họa.

Cái đồng hồ ám chỉ những việc cụ thể chúng ta định làm và cách chúng ta quản lý thời gian. Đồng thời, nó cũng tượng trưng cho những điều chúng ta cam kết thực hiện, các lịch trình, các hoạt động…

Chiếc la bàn, với kim chỉ hướng “Chính Bắc” là điều quan trọng nhất cần được bạn ưu tiên thực hiện. Nó còn tượng trưng cho tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị, nguyên tắc, phương hướng….

Cái cuộc sống tùy tiện, không có bất cứ một nguyên tắc nền tảng nào thì không thành công được. Nó không có tính tích lũy, không có sự tập trung. Hay nói khác đi, chúng ta muốn thành công thì phải tự lập trình cho bản thân mình những nguyên tắc nền tảng. Tính nhất quán phải cao. Do vậy, trong Tư Duy Tối Ưu tiến sĩ Stephen giải thích rất rõ và kỹ những việc mà chúng ta cần làm để thay đổi cách sống, cách tư duy.

Kẻ thù của những điều “tốt nhất” là chính những điều “tốt”.

Chúng ta thường quá bận rộn làm việc theo thói quen. Chúng ta làm nhiều hơn, ước gì có một ngày dài hơn 24h. Cố gắng kiếm nhiều tiền hơn… nhưng xử lý hết rắc rối này thì rắc rối khác lại xuất hiện. Cuộc sống là vậy. Đa phần mọi người đều có thói quen “khẩn cấp”. Gia đình, công việc… liên miên, guồng quay này kéo chúng ta đi. Cho tới khi chúng ta mệt lả và chỉ muốn nằm dài. Sau đó, chúng ta sẽ lại trở lại, lại bận rộn để làm những việc chúng ta cho là tốt. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi “Điều chúng ta đang làm thực sự có phải là điều tốt nhất hay không?”

Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Shark Hưng có một câu rất hay là: “Cần cù thôi chưa đủ, muốn làm chủ phải tinh khôn.” Rõ ràng là nếu chúng ta có ý chí, chăm chỉ, quyết tâm… nhưng chưa đạt được kết quả như ý muốn. Thì chúng ta cần phải xem lại cách chúng ta sống và làm việc. Chắn chắn phải thay đổi ở đâu đó thì kết quả mới khác đi được. Đấy là khi bạn có thể đọc phần hai của cuốn Tư Duy Tối Ưu, cách làm sao để “Giữ cho điều quan trọng luôn là điều quan trọng”.

Giữ mục tiêu sống, làm điều quan trọng nhất

“Không ai có thể làm điều tốt trong một phần của cuộc sống. Trong khi đang rắp tâm làm điều xấu ở một phần khác. Cuốc sống là một tổng thể không thể chia cắt” – Gandhi

Làm điều quan trọng nghe thì rất dễ. Dễ đến mức John Doerr với phương pháp OKRs thay đổi được cả thế giới. Bản chất của việc tự chủ (quản lý cá nhân) và việc quản lý thời gian khá tương đồng. Nó đều trả lời cho câu hỏi, ngay lúc này chúng ta cần phải làm việc gì?

Theo đó, việc đầu tiên là chúng ta cần một công cụ, một phương pháp quản lý thời gian nào đó chẳng hạn, để bất kỳ khi nào chúng ta cũng ý thức được mình cần phải làm gì? Hôm nay mình phải hoàn thành được mục tiêu nào? Năm nay mình phải kiếm bao nhiêu tiên? 5 năm tới công ty của mình cần IPO chưa? …

Nam Hải đã từng quản lý thời gian bằng giấy bút, viết nhật ký, nhờ người nhắc nhở hay viết lên lịch treo tường… chung quy thì đấy cũng là những cam kết không mạnh. Công việc thường vẫn trôi chảy. Song kết quả chưa được viên mãn.

Lý do là vì sao?

Thực sự là khi đọc cuốn Tư Duy Tối Ưu mình đã tỉnh ngộ. Cảm giác tìm ra được chân lý. Nam Hải không khen hay tung hô stephen quá mức. Song quả thực là tiến sĩ Stephen giải quyết vấn đề về tự quản trị bản thân rất độc đáo. Không có nhiều sách nói về chủ đề quản lý hay như cuốn này.

Những lý luận của tiến sĩ Stephen về viễn cảnh, tầm nhìn, vai trò, mục tiêu… thực sự là giúp bản thân Nam Hải được khai sáng. Phần mà cá nhân mình thích nhất là phần nói về sự cân bằng các “vai trò”. Đúng là trước đây mình thiếu một bức tranh tổng thể. Và không hề đạt được sự cân bằng.

Bạn có thể thử hiểu như sau. Khi mà chúng ta đang làm bất cứ việc gì chúng ta đều đang thực hiện một vai trò nào đó. Trong mối quan hệ của chúng ta và thế giới bên ngoài. Cụ thể hơn là trong mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người xung quanh như làm cha mẹ, học sinh, sinh viên, bác sĩ, kỹ sư…. Nếu như chúng ta lúc nào cũng ý thức được bức tranh tổng thể thì sẽ không để những “vai trò phụ” lấn át đi “vai trò chính”. Luôn luôn tự ý thức được rằng mình phải làm gì. Luông luôn ý thức được việc quan trọng nhất là gì. Chính điều đó giúp kiến tạo nên sự cân bằng.

Mỗi vai trò làm bổn phận của một người quản gia. Người quản gia là người “được yêu cầu thực hiện trách nhiệm trông coi của cải được giao phó”. Theo ý nghĩa đó, chúng ta là quản gia đối với thời gian của chúng ta, các nguồn lực của chúng ta. Chúng ta có các bổn phận quản gia tại nơi làm việc, trong cộng đồng và tại nhà.

Từ đó, tiến sĩ Stephen khuyên chúng ta nên tổ chức lại việc quản lý bản thân theo các vai trò. Mỗi vai trò đảm nhận hoàn thành cho chúng ta một sứ mệnh, một viễn cảnh nào đó mà chúng ta cho rằng là quan trong nhất. Tất cả những việc mà chúng ta làm sẽ được nhóm theo từng vai trò cụ thể. Thay vì mông lung không biết ưu tiên việc nào cần phải làm, phải làm cho xong ngay trong lúc này. Thì giờ chúng ta sẽ nhận thức được vài trò nào cần được ưu tiên. Đó chính là điều quan trọng nhất chúng ta cần làm.

Hãy đọc cuốn Tư Duy Tối Ưu càng sớm càng tốt

Năm 2009, Nam Hải đã được chia sẻ một lược đồ ưu tiên công việc. Chính là lược đồ trong cuốn Tư Duy Tối Ưu nay đây. Khi được cầm cuốn Tư Duy Tối Ưu trên tay, đọc lướt qua thì giật mình. Không ngờ còn nhiều điều về phương pháp phân loại tư duy mà mình chưa biết như vậy. Khi đọc càng sâu, mình mới phát hiện ra cuốn sách có nhiều khái niệm được xếp hạng “bảo bối”. Kể cả trong việc quản trị doanh nghiệp, quản lý gia đình… các nguyên tắc nó cũng giống nhau thôi.

Theo mình, tạm thời chúng ta gạt cái tôi sang một bên. Đừng chủ quan! Đây là một cuốn sách Self-help nhiều chữ, đọc phải kiên nhẫn và phải ngẫm nghĩ. Những cuốn sách như Tư Duy Tối Ưu thực sự là có thể đọc đi đọc lại vẫn thấy có kiến thức mới.

Về tác giả stephen R.covery

Tiến sĩ Stephen R. Covey là tác giả, chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học gia đình. Ông còn là một giảng viên, chuyên gia tư vấn tổ chức nhân sự cho các công ty, tập đoàn, và nhiều tổ chức tại Mỹ cũng như trên khắp thế giới.

Stephen R. Covey được tạp chí Time công nhận là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Stephen R. Covey còn là nhà sáng lập của FranklinCovey, tổ chức chuyên về đào tạo và phát triển lãnh đạo, kiến tạo văn hóa, triển khai chiến lược và thúc đẩy bán hàng cho các doanh nghiệp. Tính tới nay, FranklinCovey hoạt động tại hơn 160 quốc gia và tham gia kiến tạo đội ngũ lãnh đạo của gần 90% tập đoàn lớn nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Fortune.

Những cuốn sách khác từ FranklinCovey nhận được nhiều phản hồi tích cực gồm: Lựa chọn tối ưu thứ 3, Thói quen thứ 8, Niềm tin thông minh, Tinh hoa quản trị dự án, 7 thói quen tạo gia đình hạnh phúc, Kích hoạt tiềm năng.

Những lời khen cho cuốn “Tư Duy Tối Ưu”:

“Nếu bạn đã thích 7 Thói Quen Để Thành Đạt, bạn cũng sẽ thích cuốn Tư Duy Tối Ưu. Cách tiếp cận dựa vào nguyên tắc của Covery đối với quản trị thời gian thực sự đem đến cho bạn “Cái La Bàn” để chỉ ra điều gì thực sự quan trọng với cuộc đời.” – Nolan D. Archibald Chủ Tịch & CEO của công ty Black & Decker.

“Với sự sâu sắc và lôi cuốn, Tư Duy Tối Ưu chiếu ánh sáng chói lọi vào tình cảnh mờ mịt của các kỹ thuật quản trị thời gian. Thay vì chỉ nhìn vào từng mẩu của cuộc sống, nay chúng ta nhìn thấy toàn bộ bức tranh. Quyển sách này giống như một đòn bẩy có thể giúp bạn thay đổi thực sự cuộc đời mình.”-  Scott DeGarmo Tổng biên tập tạp chí Success.

“Một quyển sách bạn cần đọc vì sự vững bền của gia đình bạn” – Robert H.Schuller Giáo sĩ nhà thờ Crystal.

“Điều chúng ta tin tưởng sẽ định hình cuộc sống của chúng ta! Điều khác biệt của cuốn Tư Duy Tối Ưu là ở chỗ nó cho chúng ta thấy con tim dẫ dắt chúng ta đến đâu và vì sao lương tâm của chúng ta là cái la bàn chỉ đường cho chúng ta đi đến thắng lợi. Hãy đọc cuốn sách này để nung nấu ngọn lửa sống có ý nghĩa của bạn!” – Anthony Robbins Tác giả cuốn Unlimitted Power

“Đây là một cuốn sách rất quan trọng. Tôi nghĩ tất cả các bạn đều cảm thấy có ích sau khi đọc cuốn sách này.” – Larry King Ngườidẫn chương trình truyền hình nổi tiếng.

“Stephen Covery là một tác giả xuất sắc. Ông là người hiểu rõ nhất các nguyên tắc và quy trình tạo ra sự chuyển biến tích cực. Quyển sách này dành cho tất cả những ai muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và tập trung vào những điều quan trọng nhất của đời mình.” – Stedman Graham Chủ tịch & CEO S.Graham & Associates

Mục Lục của cuốn Tư Duy Tối Ưu

PHẦN I: CHIẾC ĐỒNG HỒ VÀ CÁI LA BÀN
Chương 1: Tiếng chuông cảnh tỉnh.
Chương 2: Thói quen khẩn cấp.
Chương 3: Bốn nhu cầu và năng lực cơ bản của con người: sống, yêu thương, học tập, để lại di sản.
PHẦN II: GIỮ CHO ĐIỀU QUAN TRỌNG LUÔN LÀ QUAN TRỌNGChương 4: Tổ chức Phần tư II: Quy trình ưu tiên cho điều quan trọng nhất.
Chương 5: Sức mạnh của viễn cảnh.
Chương 6: Giữ cân bằng các vai trò.
Chương 7: Sức mạnh của các mục tiêu.
Chương 8: Lập kế hoạch hàng tuần.
Chương 9: Tính chính trực trong thời khắc ra quyết định.
Chương 10: Học hỏi từ cuộc sống.
PHẦN III: SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐỒNG TÂM HIỆP LỰCChương 11: Hiện thực của tính tương thuộc.
Chương 12: Cùng nhau ưu tiên cho điều quan trọng nhất.
Chương 13: Trao quyền bắt đầu từ bên trong.
CHƯƠNG IV: SỨC MẠNH VÀ SỰ BÌNH YÊN CỦA LỐI SỐNG DỰA VÀO NGUYÊN TẮCChương 14: Từ quản trị thời gian đến lãnh đạo bản thân.
Chương 15: Sự bình yên của các kết quả.

Tham khảo:

Nam Hải