You are currently viewing Trong Chớp Mắt của Malcolm Gladwell: Lát cắt mỏng của tiềm thức và cách ra quyết định

Trong Chớp Mắt của Malcolm Gladwell: Lát cắt mỏng của tiềm thức và cách ra quyết định

Trong Chớp Mắt (2005) là một tác phẩm nổi tiếng thứ 2 của nhà báo Malcolm Gladwell. Ra đời sau quyển “Điểm Bùng Phát” của tác giả. Sách thuộc thể loại khoa học xã hội, nghiên cứu về cách thức ra quyết định vô cùng hấp dẫn.

Cơ duyên Nam Hải tới với Trong Chớp Mắt.

Trong Chớp Mắt không tới với Nam Hải một cách trực tiếp. Lần đầu tiên Nam Hải thấy quyển sách này là trong một thùng sách cùng với khá nhiều sách khác về thể loại kỹ năng bán hàng ở một công ty đối thủ. Với bản chất tò mò và hiếu kỳ, Nam Hải cũng “đua đòi” tìm đọc. Một phần nữa là Nam Hải đã rất ấn tượng với Điểm Bùng Phát và Những Kẻ Xuất Chúng của Malcolm Gladwell nên quyết định mua sách này cũng tới… trong chớp mắt.

Mở đầu cuốn sách với một cấu chuyện về khảo cổ. Một chuyên gia được mời tới, nhìn lướt qua bức tượng. Ông không biết tại sao lại cho rằng đây là bức tượng giả. Ông chỉ đơn giản là không cảm nhận được “tính cổ” trong bức tượng của bảo tàng. Mặc dù chưa có gì để chứng minh. Nhưng ông khá chắc về nhận định của mình. Đây không phải là một bức tượng cổ và bảo tàng đang bị lừa. Đây là một quyết định chỉ trong chớp mắt.

Trong Chớp Mắt là quyển sách cần đọc với các bạn làm việc trong nghề công an, bác sĩ, nhạc sĩ, quân đội, chuyên gia marketing, chuyên viên tư vấn và nhân viên bán hàng… Nam Hải cũng gợi ý đây là quyển sách rất đang đọc với các bạn chưa yêu hoặc chưa lập gia đình. Đọc cuốn sách này xong có thể bạn sẽ hiểu về “tình yêu sét đánh”.

Một trong những bức tượng đồng được phát hiện tại cơ sở tắm khoáng nóng thuộc vùng Tuscany, Italy (ảnh do Bộ Văn hóa Italy công bố ngày 8/11/2022

Mục tiêu cần chứng minh của Malcolm Gladwell Trong Chớp Mắt

Mục đích của Trong Chớp Mắt là thuyết phục bạn tin rằng: Những quyết định nhanh và xuất thần cũng hữu dụng như những quyết định thận trọng, được xem xét kỹ lưỡng.

Tiềm thức của chúng ta là một bộ phận có tác động và ảnh hưởng lớn. Khi nào thì chúng ta nên tin vào bản năng? Và khi nào chúng ta cần cảnh giác và cẩn thận với nó? Cơ chế của việc ra quyết định là gì? Tại sao nhiều quyết định làm cho chúng ta mông lung. Tại sao nhiều quyết định lại rất dễ dàng?

Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng nhất của cuốn sách là thuyết phục bạn tin rằng: “Bạn hoàn toàn có thể học và điều khiển các cách để đưa ra được một đánh giá tức thời, cũng như cách cảm nhận sự việc ngay từ những ấn tượng ban đầu”, dẫu rằng điều này nghe có vẻ khó tin. Chỉ khi nào bạn có thể tự dạy cho bản thân mình suy nghĩ một cách thận trọng và có logic thì bạn mới có thể tự hướng bản thân đưa ra các đánh giá tức thì hiệu quả.

Trong Chớp Mắt đề cập đến những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi hiểu bản chất của những quyết định sai lầm và thay đổi, chúng ta sẽ trở nên khác biệt và tốt đẹp hơn.

Lát cắt mỏng của tiềm thức và phương pháp ra quyết định.

Trước khi đọc Trong Chớp Mắt, Nam Hải có một gợi ý cho các bạn là hãy tìm hiểu qua các khái niệm về ý thức, cấu trúc não bộ. Các vấn đề hoạt động não ảnh hưởng tới hành vi và việc ra quyết định. Có những quyết định được đưa ra sau quá trình phân tích kỹ càng. Có quyết định được đưa ra trong 2 giây. Cái nào đúng? Cái nào sai? Trực giác là gì? Tại sao một số người lại luôn hành động theo bản năng của họ và chiến thắng!? Vì sao có những quyết định đúng đắn nhưng chúng ta không thể giải thích?

Não bộ có thể tổng hợp các thông tin một cách nhanh nhất và rút ra kết luận ngay lập tức mà giới khoa học gọi là tiềm thức thích nghi. Tiềm thức thích nghi chính là một cái máy tính khổng lồ có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu một cách âm thâm và nhanh chóng để duy trì hoạt động của con người.

Cách duy nhất để con người có thể tồn tại cho đến ngày nay là chúng ta đã hình thành và phá triên một cơ chế đưa ra quyết định để có những điều chỉnh nhanh dựa trên một lượng thông tin khổng lồ.

Điểm then chốt trong cuốn sách này là khái niệm các lát cắt mỏng. Trong quá trình vô thức của mình, chúng ta rút ra những kết luận dưa trên những lát cắt rất mỏng của kinh nghiệm.

Nhưng đương nhiên là nồi nào úp vung đó, “quyết định nhanh” chỉ có khả năng đúng cao khi bạn là chuyên gia trong lãnh vực mà bạn đang phán xét.

Sau khi đọc sách các bạn sẽ biết thêm được rất nhiều điều. Trong đó, ý nghĩa của hai từ “Chuyên gia”, quả thật là cần có những kỹ năng và thời gian trải nghiệm rất lâu trong một lãnh vực mới biến ai đó thành chuyên gia. Họ có thể “định nghĩa” các cảm nhận của chính họ. Phân loại cảm xúc của chính họ với đối tượng mà họ đang xử lý. Làm đơn giản hóa vấn đề phức tạp. Đôi khi chỉ dựa vào những lát cắt rất mỏng, những dấu hiệu bình thường ít ai chú ý. Từ đó “trong chớp mắt” đã có thể đưa ra các quyết định, hành động mà không cần trải qua quá trình suy xét quá lâu như người thường.

Giữa lúc hỗn loạn, bộ máy xử lý thông tin bên trong người lính cứu hỏa ngay lập tức phát hiện ra khuân mẫu của vấn đề mà không mấy khó khăn. – Trang 184.

Bạn có tin vào cái “nhìn đầu tiên” hay “Tình yêu sét đánh”?

Chắc hẳn bạn đã nhiều lần băn khoăn tự hỏi, tại sao có những tình yêu bắt nguồn từ những cái nhìn đầu tiên. Malcolm Gladwell đã có thể trả lời cho câu hỏi này.

Ai đó đã nói với bạn rằng: “Khi yêu thì hãy lắng nghe trái tim mình?”. Bạn có nghĩ rằng tâm hồn và trái tim của bạn có suy tính riêng? Câu trả lời là có. Nhưng không giống như bạn tưởng tượng. Đó là do tiềm thức của bạn. Đúng đó chứ? Trái tim chỉ là nơi bơm và truyền máu, thậm chí nó còn chẳng có tế bào cảm giác.

Con người hóa ra không hay biết gì về những thứ tác động lên hành động của họ, nhưng lại rất hiếm khi cảm thấy mình không biết. Chúng ta cần chấp nhận sự thật này và nói ‘Tôi không biết’ nhiều hơn nữa.

Thậm chí chính bạn, bạn có phải là người giống như bạn miêu tả không? Những miêu tả mà ban đầu bạn lựa chọn là những hình mẫu có ý thức. Nhưng đó là những gì bạn tin, bạn muốn khi ngồi xuống và nghĩ đến. Nam Hải không biết, nhưng chắc chắn con người thật của bạn được thể hiện qua hành động của bạn.

Cũng như vậy, Khi bạn viết lên một tờ giấy những mong muốn về người bạn đời của mình. Rốt cuộc là phần lý trí của bạn đang hoạt động. Tuy nhiên, tiềm thức đôi khi lại lựa chọn cho bạn những người… gây bất ngờ. Đó là sự bất lực của chúng ta trong việc miêu tả những hành động của mình trong phút chốc. Suy nghĩ của chúng ta diễn ra quá nhanh vì vậy chúng ta không thể bắt kịp và chúng ta không thể đưa ra lời giải thích hoàn chỉnh. Đành phải đổ lỗi cho “sét đánh” để né tránh.

Khả năng chuyển hóa cơ hội của bạn sẽ tăng lên sau khi đọc xong “Trong Chớp Mắt”.

Nam Hải cho rằng Khi đứng trước những quyết định làm bạn “đăn đó”, “nghĩ nhiều”, cảm giác não bộ bị quá tải… mà không thể đưa ra quyết định. Bạn sẽ thấy rằng Trong Chớp Mắt cho bạn kiến thức về các cấu trúc và cơ chế ra quyết định quý báu.

Cuộc sống là lựa chọn. Lựa chọn lại là quá trình ra quyết định giữa muôn vàn những lối rẽ. Cơ hội đôi khi chỉ tới một lần. Đứng trước những thay đổi mang tính quyết định. Bạn cần cẩn trọng suy xét. Nhưng đôi khi quá trình phân tích này lại không hiệu quả. Mang tới nhiều “hậu quả” ảnh hưởng nặng nề tới bạn hơn là những “kết quả” mà bạn đang hướng tới. Tiêu hao nhiều nguồn lực và tài nguyên hữu hạn mà bạn có. Đó là khi, bạn cần nhờ tới nhiều lời tư vấn của chuyên gia. Cần thêm “Kinh nghiệm” để xử lý vấn đề. Nhưng cả kể “Chuyên gia” cũng có khi quyết định sai lầm bởi không chú ý tới bản năng của mình. Tạm dừng nói về tầm quan trọng của “Xây dựng đội ngũ cố vấn uy tín”. Giả sử bạn đang ở “Vùng Trắng” quá ngắn. Phải đưa ra quyết định nhanh. Lúc đó bạn có nên tin vào trực giác của mình không?

Trả lời câu hỏi này thì sẽ quay lại câu hỏi: “Bạn là chuyên gia trong lãnh vực nào?”. Bạn đã từng tập trung nghiên cứu và liệu bạn có tự tin vào những trải nghiệm của bản thân khi đứng trước vấn đề bạn đang đối mặt? Nam Hải cũng rất thích cuốn “Bí Mật Của May Mắn”. Bạn hãy đọc thêm cuốn này để tăng khả năng chuyển hóa cơ hội của bản thân nhé!

Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần nghĩ

Trong Chớp Mắt đã có nhiều ví dụ chứng minh những quyết định mang tính “Trực giác” có nguyên nhân và hệ quả. Đó là kết quả của quá trình đã rèn luyện, đã trải nghiệm, đã có kinh nghiệm… với vấn đề mà chúng ta đang phải đối mắt. Và những thứ đó đã “không chủ đích” đi vào tiềm thức của chúng ta. Khi gặp đối tượng cần phán xét. Chúng ta đã có quyết định rất nhanh vì bản chất não bộ đã xử lý dựa trên các thông tin có trong tiềm thức. Nó có thể đúng, khi “Chuyên gia” tích lũy đủ thông tin đầu vào cho tiềm thức. Có thể sai, khi họ quyết định với một vùng mờ ý thức (Vùng Trắng). Quyết định đó rõ ràng nó là kết quả của một quá trình lâu dài.

Những quyết định sai lầm có ảnh hưởng rất lớn tới thế giới chúng ta đang sống. Ví dụ như sai lầm của các cuộc khảo sát thị trường là họ đôi khi chẳng hiểu gì về người tiêu dùng. Hay khi bạn cố giải thích một quyết định nào đó chỉ làm nó thêm phần sai lạc, thậm chí bạn chẳng thể giải thích. Lan man một chút, Nam Hải đã từng thử “New Coca” và không hề ấn tượng với vị của nó. Nhưng cũng không thể tưởng tượng rằng người Mỹ đã phản đối nó đến thế. Hóa ra viêc khảo sát thị trường kiểu “nhấp môi” và đã dùng “hết cả chai” đưa ra các kết quả rất khác nhau. Hay định nghĩa lại về sự “tồi tệ”, “Xấu xa”… thực ra lại là phản ứng thái quá tiêu cực của chính chúng ta về những thứ quá khác biệt mà chúng ta chưa xử lý thông tin được. Do vậy, nếu bạn là chuyên gia trong lãnh vực nào đó. Thì có khi trực giác của bạn còn đúng hơn cả những bản khảo sát thị trường. Vậy là cuộc sống thêm nhiều góc nhìn và tranh cái. Điều đúng đắn tiếp tục được ẩn giấu sau bức màn kỳ diệu và chỉ được phát hiện bởi những “khoảnh khắc nháy mắt thuần khiết”.

Mỗi ngày bạn đọc sách là một ngày bạn nghĩ khác đi. Cuộc sống thật là nhiều điều bất ngờ. Trong Chớp Mắt rất lôi cuấn và hấp dẫn. Giúp mở rộng và phát triển tư duy. Trên tay Nam Hải là bản in năm 2015. Sách có giấy tốt. Thích hợp cho nhiều lứa tuổi và mua làm quà. Bạn cố gắng mua đọc để biết mình thông minh xuất chúng hơn bạn tưởng rất nhiều.

Các trích dẫn cực chất về khoa học xã hội của “Trong Chớp Mắt”:

Tabares đang đo đếm lượng cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực, bởi vì một trong những phát hiện của Gottman là để có thể duy trì được một cuộc hôn nhân thì tỷ lệ cảm xúc tích cực và tiêu cực trong cuộc thí nghiệm phải đạt được ít nhất năm trên một. – Trang 42.

“Chính xác là người ta không thể kiện các bác sĩ mà họ yêu mến.” – Trang 64.

Chiều cao thực sự có thể khơi dậy được một chuỗi những liên tưởng vô thức theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là ở nam giới.Trang 129

Những quyết định lựa chọn của chúng ta ít dựa trên lý trí hơn so với những gì chúng ta vẫn tưởng ngay cả trong việc lựa chọn ứng viên cho vị trí quan trọng. – Trang 133

Ấn tượng ban đầu của chúng ta là kết quả của những kinh nghiệm bản thân và các tác động của môi trường sống, điều này có nghĩa là chúng ta có thể thay đổi những ấn tượng đó. – Trang 146.

Nhận thức nhanh nhạy trong tình trạng tâm lý căng thẳng cao độ phụ thuộc vào quá trình huấn luyện, thói quen và sự luyện tập. – Trang 171.

Không từ chối một lời đề xuất nào. Nếu bạn có khả năng tạo ra một cốt truyện hấp dẫn ngay tức thời thì bạn cũng có thể tham gia vào những cuộc đối thoại trôi chảy, mang tính bất ngờ mà không mất nhiều nỗ lực. – Trang 175

Họ đã dồn quá nhiều chú ý vào cách thức thực hiện cũng như quá trình hoạt động đến nỗi họ không bao giờ xem xét vấn đề một cách bao quát.Trang 186.

Oskamp đi tới kết luận: “Khi các chuyên gia được cung cấp thêm nhiều thông tin hơn, tính chính xác của các quyết định giảm đi.” – Trang 208.

Những quyết định thành công dựa trên sự cân bằng giữa những suy nghĩ có chủ tâm và những suy nghĩ theo bản năng sau khi đã đơn giản hóa vấn đề, xác định được đâu là điều cơ bản và cốt lõi. – Trang 210.

Người khổng lồ bị rằng buộc bởi những quy định, thủ tục và luật lệ nhỏ bé đó. Còn những người tí hon thì sao? Họ chỉ chạy xung quanh và làm điều mà họ muốn. Trang 215.

Luyện tập thực hành suy luận để tìm ra động cơ và mục đích của người khác là phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng theo kiểu cổ điển. – Trang 290.

Thất bại trong việc tìm hiểu suy nghĩ của người khác thường xảy ra ở tất cả chúng ta. Chúng nằm ở gốc rễ của những tranh cái, bất đồng, hiểu nhầm và những tổn thương liên tục. Thế nhưng do những thất bại này diễn ra quá nhanh và bí hiểm nên chúng ta không thực sự biết phải làm thế nào để hiểu được chúng. – Trang 292.

Thông tin biểu hiện trên nét mặt chúng ta không chỉ là một tín hiệu cho thấy những gì diễn ra trong tâm trí chúng ta. Ở một khía cạnh nào đó, nó chính là những gì thực sự diễn ra trong tâm trí chúng ta. – Trang 307.

Nam Hải