You are currently viewing Thế giới phẳng của Thomas L.Friedman: Cuốn sách hay nhất 2005 do Financial Times và Goldman sachs Bussiness bình chọn.

Thế giới phẳng của Thomas L.Friedman: Cuốn sách hay nhất 2005 do Financial Times và Goldman sachs Bussiness bình chọn.

Thế giới phẳng (The World is Flat) là cuốn sách nổi tiếng của Thomas L.Friedman nói về chủ đề toàn cầu hóa. Đây là một cuốn sách kinh tế rất hay, có nhiều dự báo về tương lai của nhân loại.

Toàn cầu hóa là gì?

Toàn cầu hóa có thể đã khởi nguồn từ thế kỷ 14-15. Khi mà các con thuyền châu âu bắt đầu tích lũy cam, chanh và đi về những vùng biển xa hơn. Họ thu về hạt tiêu, trà, bông, vàng, đồ gốm, lụa… và cả nô lệ của những địa phương có giá rẻ. Sau đó chuyển chúng về châu âu. Theo lệnh của hoàng gia, theo ý chí của chúa, và theo bước chân của những thuyền trưởng đậm máu phiêu lưu muốn khám phá thế giới.

Những người khai sáng cũng đã tạo ra các công ty đa quốc gia đầu tiên, vả cả các thành phố của những tên cướp biển hay những thuộc địa mới. Theo đó là những thương vụ trao đổi tiền tệ xuyên quốc gia ở quy mô lớn.

Tới ngày nay, chúng ta đều đang được thửa hưởng rất nhiều lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên đây lại là một định nghĩa được phổ cập trong ngành kinh tế học hơn là đại trà.

Vậy toàn cầu hóa là gì? Để hiểu một cách đơn giản nhất thì nó là quá trình tự do phát triển kinh tế, và trao đổi thương mại xuyên các quốc gia, giữa nhiều dân tộc và lục địa khác nhau. Sau kinh tế, toàn cầu hóa còn là cả sự giao lưu về văn hóa, chính trị, thâm chí là di dân trên mức độ toàn câu. Toàn cầu hóa là sự hợp tác cùng phát triển ở nhiều mức độ. Từ các thể chế lớn (thông qua các hiệp ước), các quốc gia, các dân tộc, các công ty và cả giữa các cá nhân.

Không còn các vách ngăn, không còn xung đột vũ trang và hay rào cản thuế quan. Một thế giới chấp nhận những khác biệt và tôn trọng lẫn nhau. Đây là một thế giới hòa bình và các dân tộc đều đang ngồi bên đống lửa trại và hát nhạc Kumbaya.

Nểu bạn muốn tìm hiểu thế nào là toàn cầu hóa theo định nghĩa khoa học thì bạn có thể xem trong link:

https://vi.wikipedia.org/wiki/To%C3%A0n_c%E1%BA%A7u_h%C3%B3a

Điểm khởi đầu của Toàn Cầu Hóa cận đại.

Mình vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc thế giới bước sang năm 2000. Tivi ra rả nói về hiện tượng Y2K. Mấy nhà chiêm tinh đưa ra những dự đoán tận thế như là thế giới sắp sụp đổ. Song đa phần mọi người chỉ quan tâm tới một việc: Từ 99 về 00, Xin chào thế kỷ mới!

Tầm năm 2002-2003, Mạng internet đã phát triển rầm rộ ở Việt Nam sau 5-7 năm thai nghén. Mạng internet qua hệ thống dial-up làn tỏa tới từng nhà. Mạng len lỏi tới khắp các cơ quan, công ty và các gia đình. Quán net thì hốt bạc từng giờ. Trước đó, chúng ta còn dùng tiền xu 5000vnđ để có thể gọi điện thoại ở các bốt đặt ở vỉa hè. Với nhiều người chúng đã là di chứng của thời kỳ Low-tech.

Mình vẫn nhớ, cuốn sách Điểm Bùng Phát được Malcolm Gladwell viết vào những năm 2000. Cuốn sách đó cũng là dự báo cho một thờ kỳ bùng nổ internet.

Chà, trong khi các nhà đầu tư quan sát người ta điên rồ đổ xô trong việc số hóa mọi thứ, họ tự nhủ: “Ái chà. Nếu tất cả mọi người đều muốn mọi thứ được số hóa, chuyển thành các bit và truyền qua internet, nhu cầu đối với các công ty dịch vụ mạng và nhu cầu đối với các đường cáp quang để vận chuyển các thông tin số hóa này trên thế giới sẽ là vô tận. Bạn không thể thất bại nếu bạn đầu tư vào lãnh vực này!”

Và như vậy, bong bóng đầu tư bắt đầu được sinh ra. -Trang 111.

Nếu muốn lấy điều gì làm mốc khởi đầu cho quá trình toàn cầu hóa. Với cá nhân mình thì đó chính là sự ra đời của mạng internet. Nhân loại đã thay đổi hoàn toàn khi “nối mạng”. Trong cuốn Thế Giới Phẳng, nhà báo Thomas L.Friedman còn đưa ra “10 lực làm phẳng thế giới”: Chiến tranh lạnh kết thúc; Sự phát triển của mạng điện thoại di động; sự chuyển dịch của chuỗi sản xuất, cung ứng ra nước ngoài; Sự phát triển của máy tính cá nhân, các phần mềm quản lý công việc; Các hiệp ước tự do thương mại… Còn về mốc thời gian, thời điểm đánh dấu cho đợt Toàn Cầu Hóa cần đại này có lẽ là từ năm 1991.

“Thế giới phẳng” có phải là phần hai của cuốn “Chiếc Lexus và Cây Oliu”

Thật ra khi cầm trên tay cuốn Thế Giới Phẳng của Thomas L.Friedman, mình chưa hề đọc cuốn Chiếc Lexus và Cây Oliu. Mình chỉ đọc cuốn này vào tầm năm 2011-2012, thời kỳ mà mình đọc rất nhiều sách vì đủ tiền để mua. Theo mình hiểu, thì cuốn sách đó nói về điểm xung đột giữa nền kinh tế thị trường được đánh giá là tự do hơn và các nền kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ.

Vậy nên cũng không nói quá khi Thế Giới Phẳng được nhiều độc giả đánh giá là phần hai của cuốn Chiếc Lexus và cây Oliu. Cuốn sách này nói về những điểm va chạm giữa các nền kinh tế, và cả về sự hợp tác,  những ưu nhược điểm của sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia.

Nếu bạn muốn thịnh vượng trong một thế giới canh tranh, bạn nên hiểu rằng cái gì có thể làm được thì sẽ được làm và được làm nhanh hơn bạn nghĩ. Vấn đề duy nhất là điều đó do bạn làm hay người khác làm cho bạn. Liệu bạn có là người làm chủ sáng tạo hay một trong những đối thủ cạnh tranh với bạn sẽ tận dụng nó làm chủ bạn? – Trang 613, mình xin phép chuyển từ Thế Giới Phẳng thành Thế giới Cạnh Tranh vì câu văn đã bị tách ra khỏi bối cảnh nhé.

Không chỉ nói về kinh tế, cuốn sách cũng là lát cắt của những mối quan hệ giữa các cường quốc và các quốc gia đang phát triển. Những sáng tạo công nghệ mới và những xu hướng xã hội mới. Mà trọng tâm là sự chuyển dịch sản xuất, công nghệ từ các quốc gia này sang các khu vực có nhân công giả rẻ và nhiều ưu đãi về pháp lý hơn (trốn thuế dễ hơn nữa). Thomas L. Friedman cũng cho rằng các tập đoàn tư bản bắt buộc phải làm vậy. Vì nếu họ không làm, sẽ có công ty khác làm. Không ai trong số họ muốn chịu cảnh tụt hậu.

Và thế là các nước phát triển xuất khẩu chủ nghĩa tư bản sang các nước đang phát triển. Tới ngay nay, họ còn xuất khẩu cả “lạm phát” sang các nước khác nữa.

Tại sao bạn nên đọc Thế Giới Phẳng?

Thế giới phẳng là cuốn sách viết về sự hợp tác và phát triển. Bao gồm cả những xung đột về kinh tế giữa các quốc gia và các công ty. Cuốn sách cũng nói về chủ nghĩa bảo hộ với hàng rao thuế quan hay các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu.

Vi mô hơn, Thomas L.Fiedman cũng nói về những cơ hội mà một cá nhân suất xắc có thể thay đổi thế giới. Đó chính là một thế giới cạnh tranh nhiều hơn và cả cơ hội cũng nhiều hơn. Những học giả và các kỹ sư không bị gò bó trong phạm vi một lãnh địa để phục vụ cho một lãnh chúa. Mọi người đều có thể phát huy tối đa sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình.

Những ví dụ điển hình cho dự đoán của Friedman các bạn có thể tìm thấy trên ebay, amazone, facebook, twitter, ticktok, youtube hay shopee… bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể cung cấp dữ liệu và trở thành một nguồn ảnh hưởng tới thế giới. Chúng ta đang được kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết!

Nhưng đi kèm theo nó cũng là những nguy cơ rình rập.

Thách thức của quá trình toàn cầu hóa

Ở quy mô cấp quốc gia, toàn cầu hóa mang lại những cách mạng mầu. Sự xung đột càng lớn giữa các giai cấp và khoảng cách giàu nghèo. Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trở nên phổ biến…

Sự sắp xếp đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, và rồi Aramex đã chiếm lĩnh thị trường giao hàng tận nhà trong thế giới Arập nhanh chóng tới mức năm 1997, Ghandour quyết định niêm yết công ty của mình ở Broadway, tức là thị trường chứng khoán Nasdaq. Aramex liên tục lớn mạnh và trở thành công ty có thu nhập 200 triệu dollar mỗi năm, với hơn 3200 nhân công – mà không cần đến các hợp đồng béo bở của nhà nước. – Trang 623 (Công ty này ngày nay vẫn tồn tại. Vốn hóa của họ hiện tại khoảng 5.5 tỷ usd)

Ở cấp các công ty và các tập đoàn kinh tế, sự dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài mang lại nhiều rủi do. Nhất là khi tình hình địa chính trị thay đổi. Các công ty phải chuyển dời liên tục, nhiều công ty bị cướp công nghệ lõi khi tới các quốc gia không thân thiện khác. Và phải chấp nhận những bản thỏa thuận bất hợp lý cùng với những khoản tiền lót tay khổng lồ. Nhất là sau khi dịch Covid-19 xảy ra, làn sóng dịch chuyển nhà máy càng trở nên mạnh mẽ.

Với mỗi cá nhân, quá trình toàn cầu hóa làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu việc làm của các địa phương. Làm suy giảm bản sắc dân tộc ở các quốc gia. Thay đổi cách mà mọi người giao tiếp với nhau. Cuộc chơi là thế này, bất cứ cá nhân nào cũng phải giữ được thế chủ động trong quá trình hội nhập. Hoặc họ sẽ bị quá trình hội nhập thôn tính.

Mặc dù khu vực công nghệ cao “phẳng” của Ấn Độ tỏ ra hấp dẫn và mời gọi, nhưng cũng đừng nên ảo tưởng: nó chỉ chiếm 0,2% lực lượng lao động Ấn Độ. Công thêm những người Ấn Độ có liên quan đến ngành sản hàng xuất khẩu, bạn sẽ có tổng 2% lao động trên toàn Ấn Độ. – Trang 675

Thế giới sắp tới sẽ thuộc về những cá nhân không bị ô nhiễm thông tin từ các ứng dụng video hay mạng xã hội. Miễn nhiễm với các chiêu trò thu hút người dùng của các tập đoàn công nghệ. Bảo vệ được quỹ thời gian của bản thân và gia đình. Cố gắng duy trì văn hóa dân tộc trước làn sóng văn hóa ngoại lai. Mặt khác, để có thể tồn tại, chúng ta còn cần phải ảnh hưởng ngược lại tới thế giới.

Benerjee, người đã nhận bằng tiến sĩ về thông tin tại đại học Sorbonne của Pháp, phát hiện ra điều này khi giảng dạy tại trường đại chọ Singapore. Ong nói trong cuộc phỏng vấn trên: “Các bạn có thể nghĩ rằng toàn cầu hóa tại châu Á có nghĩa là chúng ta đều sử dụng tiếng Anh. Nhưng không phải như vậy. Thị trường dành cho người di dân cho phép mọi người xem tin tức quốc tế, ti vi và nghe đài hoàn toàn bằng tiếng địa phương. Đây chính là hiện tượng được tôi mô tả bằng thuật ngữ: “làm giàu toàn cầu hóa bằng yếu tố địa phương”. Không phải là các tắc nhân tố toàn cầu hóa bao trùm lên chúng ta mà là các nhân tố địa phương đưa ra toàn cầu.”

Trẻ em ngay nay thích cầm điện thoại trên tay thay vì ra ngoài và khám phá thế giới.

Toàn cầu hóa không tự động sinh ra. Nó hình thành và phát triển như một xu thế tự nhiên. Thế giới là phẳng dù đôi chỗ còn chưa phẳng. Và nó cũng mang lại nhiều niềm vui cũng như là nỗi đau. Nó cũng mang lại nhiều cạnh tranh và cơ hội. Cả thế giới mở cửa chờ những người khôn ngoan nắm bắt.

Nếu bạn hỏi, vì sao phải đọc cuốn Thế Giới Phẳng? Mình nghĩ rằng bạn cần đọc vì bạn sẽ cần phải thích nghi với trạng thái mới của thế giới. Cũng như cần chuẩn bị cho những gì sắp tới. Khi thế giới chuyển từ đơn cực sang một thế giới đa cực hơn.

Về tác giả Thomas L.Friedman

Nhà báo Thomas L.Fiedman đã ba lần đạt giải Pulitzer cho những đóng góp của ông cho tờ The New York Times, nơi ông làm việc với tư cách nhà báo viết về chuyên mục đối ngoại. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy như:

Từ Beirut đến Jerusalem (From Beirut to Jerusalem) – Cuốn sách giành giải thưởng cho thể loại sách hiện thực. Là hành trình đi tìm hiểu về trung đông của một người Mỹ.

1999, Chiếc Lexus và cây Oliu: Hiểu thêm về toàn cầu hóa (The Lexus and the olive tree: Understanding and globalization)

Kinh độ và thái độ: Khám phá thế giới sau 11/09 (Longitudes and Attitudes: Exploring the world after September 11)

2005, Thế giới phẳng.

2009, Nóng, Phẳn, và Chật (Hot, Flat, and Crowded). Cuốn sách lý giải tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai.

2012, Từng Là Bá Chủ (That Used To Be Us). Quyển sách là một phiên bản đen tối hơn nhiều của Thế giới phẳng. Mở đầu bằng sự so sánh giữa kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Là lời cảnh tỉnh người Mỹ đang thất thế và quá trình toàn cầu hóa bị suy giảm. Qua cuốn sách, Friedman đã tự mô tả mình là một “người lạc quan nản chí”. Cố gắng đưa ra nhiều ví dụ để lật ngược tình thế. Ông hy vọng cuốn sách như một lời hiệu triệu người Mỹ đoàn kết hơn, hy sinh lợi ích cá nhân nhiều hơn để nước Mỹ tìm lại được vị thế cũ.

2018, Cảm ơn vì đến trễ (Thank You For Being Late). Theo tiki, thì đây là tắc phẩm phơi bày những sự chuyển động mang tính kiến tạo đang tái định hình thế giới ngày nay. Và giải thích cách để tận dụng tối đa lợi ích từ chúng.

Nam Hải