You are currently viewing Sự Thực Về Giác Ngộ của Adyashanti: Con đường bình an và tự do.

Sự Thực Về Giác Ngộ của Adyashanti: Con đường bình an và tự do.

Sự thật về giác ngộ viết về chủ đề thức tỉnh tâm linh của thiền sư Adyashanti. Cuốn sách được xuất bản năm 2010. Trên tay Nam Hải là bản in bằng tiếng việt năm 2018.

Cuốn sách về trạng thái giác ngộ của thiền sư Adyashanti

Sự thực về giác ngộ là tên tiếng việt, tên tiếng anh của cuốn sách là Nơi tận cùng thế giới của bạn (The End of Your World) được thiền sư Adyashanti xuất bản vào khoảng năm 2008 đến 2010.

Nội dung chính của cuốn sách là nói về thức tỉnh tâm linh. Đây là trải nghiệm mà ít người có thể trải qua. Ở góc nhìn của một thiền sư phương tây, mọi thứ trở nên rành mạch, bớt đi mầu sắc huyền bí hay ma mị.

Thêm nữa, Sự Thực Về Giác Ngộ còn chia sẻ về giáo lý, quá trình thức tỉnh và cả những quan niệm sai lầm thường gặp. Đương nhiên, qua đó Adya giúp mọi thiền sinh hiểu sâu hơn về trải nghiệm bừng tỉnh khỏi cái tôi dính mắc.

Trường phái thiền Advaita Vedanta của Ấn Độ.

Khi đọc cuốn Sự Thực Về Giác Ngộ của thiền sư Adyashanti có một điều độc giả không nên bỏ qua là Adya theo dòng thiền Adviata Vedanta. Đây là trường phái có ảnh hưởng nhất trong Vedanta. Nó cũng rất nổi tiếng ở ấn độ.

Chi tiết về dòng thiền này quý độc giả tham khảo ở https://vi.wikipedia.org/wiki/Vedanta

Trong cuốn sách này Adya đã sử dụng nhiều kiến thức giáo lý của trường phái thiền mà ông đã theo học. Đây là những phát kiến, kinh nghiệm truyền đời của nhiều thế hệ thiền sư. Do đó, các độc giả cần hiểu rằng những kiến thức có trong sách không phải của riêng Adya, những lập luận trong sách mang tính truyền thừa.

Nói ngắn gọn, chúng ta đang được đọc một tàn cuốn phật pháp, thứ mà được cho phép công khai của dòng thiền Adviata Vendanta. Cộng với trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm giảng dạy của thiền sư Adyashanti.

Thức tỉnh tâm linh là gì?

Thức tỉnh tâm linh là một trải nghiệm riêng biệt của mỗi cá nhân. Nó là sự thay đổi trong nhận thức của con người. Đó là trạng thái bừng tỉnh khỏi cái tôi, bản ngã và có cái nhìn chân thực, nguyên sơ vào thực tại.

Thức tỉnh về bản chất là nhớ lại. Không phải là “lột xác bản thân”. Càng không phải là thay đổi chính mình. Trải nghiệm thức tỉnh này có thể chỉ là thoáng qua, hoặc có thể duy trì một thời gian dài.

“Thế giới của bạn” không phải là thế giới của bạn, đó chỉ là nhận thức của bạn. Vì vậy, mặc dù ban đầu nghe có vẻ hơi tiêu cực nhưng tôi nghĩ sẽ hữu ích hơn nhiều nếu nói về sự thức tỉnh tâm linh qua những gì chúng ta mất – chúng ta thức tỉnh khỏi cái gì. Tức là nói về sự tan rã của ảo tưởng mà chúng ta có về bản thân mình và về viêc giũ bỏ con người khi thức tỉnh, chúng ta giật mình vì đã có lúc tưởng đó là bản thân mình.

Trong cuốn Sự Thật Về Giác Ngộ, Adyashanti giúp thiền sinh hiểu về quá trình bừng tỉnh khỏi cái tôi chia rẽ. Mà như thầy Adya nói:

Thực sự thức tỉnh, giác ngộ là tự do thoát khỏi mọi bám chấp – tự do khỏi mọi quan điểm.

Tiêu đề sách bằng tiếng anh “Nơi tận cùng thế giới của bạn” mô tả rất chính xác nội dung cuốn sách. Nhưng mình cũng cảm giác nó hơi tách bối cảnh khỏi câu nói. Người bình thường sẽ dễ hiểu nhầm rằng: Nơi tận cùng? Ooh! Có phải đó là nơi tôi chết? Do vậy, mình cũng ủng hộ tên việt hóa “Sự Thực Về Giác Ngộ”, nghe nó cũng đúng và đỡ hiểu lầm với người Việt mình hơn.

Sự thực về giác ngộ là cuốn sách về tâm linh.

Như Adya chia sẻ, thật khó để sử dụng ngôn từ miêu tả các khái niệm của tâm linh. Adya đã cố gắng sử dụng những từ đơn giản và dễ hiểu nhất để giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn. Đồng thời, tránh lầm được lạc lỗi, dẫn tới mê mị hơn trong con đường tu tập. Nhưng vẫn thật khó cho người bình thường khi đọc cuốn sách này. Nhất là những người chưa bao giờ thử thực hành thiền.

Đầu tiên, chủ đề của cuốn sách là một lãnh vực không dành cho mọi người. Cả kể người lớn. Chủ đề của cuốn sách có hạn chế về mặt độc giả. Tâm linh hay tôn giáo là một lĩnh vực cần người đọc có kiến thức, có trải nghiệm.

Thứ hai, cả kể khi bạn muốn tìm hiểu về trạng thái thức tỉnh. Bạn sẽ vẫn gặp trở ngại tâm lý và bạn vẫn có những cảm xúc thực sự khó chịu. Khi thiền sinh mới tham dự được 1 khóa thiền 3-7-10 ngày gì đó. Hoặc trong tâm vẫn còn chấp niệm thì thực sự là… “không có trải nghiệm gì”. Khi đó, thiền sinh sẽ vẫn ở trên mặt đất. Chưa thể là phi hành gia trong chiếc tên lửa mà Adya miêu tả. Như thiền sư Adya nói, đây là điều rất bình thường.

Thứ ba, là sự trừu tượng, một rào cản nữa của cuốn sách là có nhiều ngôn từ trừu tượng. Linh hồn vốn dĩ đã là phi vật chất. Thêm nữa, những kiến thức về triết học phật giáo cũng không dễ tiêu hóa. Với các bạn trẻ thì cuốn sách sẽ rất khó tiêu hóa.

Tuy nhiên, Với những người đã hành thiền thì đây lại là cuốn sách đặc sắc.

Một vị đạo sư vĩ đại từng nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Điều này giống như chân lý được nói ra thì không phải là chân lý thực sự. Vì thế tôi luôn nói với học viên của mình rằng mục đích giảng dạy của tôi là để thất bại – thất bại hết sức của tôi. Cố gắng diễn đạt những điều không thể diễn đạt là biết ngay từ đầu rằng bạn sẽ thất bại.

Trải nghiệm thức tỉnh có thể gây tranh cãi.

“Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”

Trong bài viết này mình xin phép độc giả cũng không chia sẻ nhiều nội dung của cuốn sách. Một phần vì trải nghiệm thức tỉnh cũng mang tính chất rất cá nhân. Mỗi người sẽ trải qua trạng thái này khác nhau.

Khi mình bắt đầu theo học thiền, có một điều luật trong khóa thiền là thiền sư sẽ không trả lời những câu hỏi mang tính tranh luận đúng sai về giáo lý. Thiền sư sẽ không trả lời câu hỏi dạng như: Cứ hành thiền liệu tôi có giác ngộ không? Giác ngộ để làm gì? Tại sao tôi phải giác ngộ? Liệu khi hành thiền tôi có phải bỏ tôn giáo của tôi? Tôn giáo của ông liệu có tốt hơn tôn giáo của tôi? … kiểu kiểu vậy. Những câu hỏi dạng này khi nhận được câu trả lời sẽ chẳng mang lại lợi lộc cho thiền sinh. Thay vào đó, bạn được lựa chọn, tu tập theo khóa thiền hoặc dừng lại. Bạn cũng có thể hỏi thiền sư về kỹ thuật thiền, thầy sẽ trợ giúp để các thiền sinh làm sao dễ dàng định tâm hơn.

nhưng thiền sư sẽ không bao giờ tranh cãi với bạn.

Chính vì vậy, khi giới thiệu cuốn sách này tới độc giả mình cũng không muốn thêm vào nhiều quan điểm cá nhân. Mình chỉ muốn chia sẻ rằng đây là cuốn sách bất cứ thiền sinh nào mới tu tập thiền cũng nên đọc.

Về tác giả Adyashanti

Adyashanti có nghĩa là Bình Yên Nguyên Thủy, tên thật là Stephen Gray, Ông sinh ngày 26/10/1962 tại Cupertino, California, Hoa Kỳ. Ông là một thiền sư người Mỹ, theo dòng thiền Advaita Vedanta (Bất Nhị) của Ấn Độ.

Ở tuổi 19, ông bắt đầu quan tâm tới sự giác ngộ và hoàn toàn nhập tâm vào cuộc tìm kiếm chân lý cuối cùng (1).

Khi 20 tuổi, ông bắt đầu theo học thiền tông (Zen Buddhism) dưới sự hướng dẫn của Arvis Joen Justi, Jussti cũng là học trò Taizan Maezumi Roshi(2). Trong thời gian đó, Adya cũng đã tham gia các khóa tu dài hạn với Jakusho Kwong Roshi (đệ tử của Shunryu Suzuki Roshi) tại trung tâm thiền trên núi Sonoma. Trong khi làm việc tại cửa hàng máy tính của cha mình, Adya đã xây một túp lều thiền ở sân sau của cha mẹ mình và thực hành thiền từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày.

Tới năm 25 tuổi, ông đã trải quan một loạt những lần thức tỉnh tâm linh biến đổi. Tới năm 31 tuổi thì ông đã trải qua một trải nghiệm thức tỉnh khiến mọi thắc mắc và nghi ngờ của ông chấm dứt.

Adyashanti bắt đầu giảng dạy về tâm linh từ năm 1996, theo như đề nghị của thiền sư Arvis Joen Justi, người mà ông đang theo học suốt 14 năm.

Các bài giảng, bài nói chuyện của Adyashanti tập trung vào sự thức tỉnh và hiện thân của sự thức tỉnh.

“Sự thật mà tôi hướng tới không bị giới hạn trong bất kỳ quan điểm tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng hay học thuyết nào, mà mở ra cho tất cả mọi người và được tìm thấy trong tất cả mọi người”

Cùng với thiền sự Thích Nhất Hạnh, Adyashanti cũng có mặt trong danh sách 100 người có ảnh hưởng tinh thần nhất thế giới còn sống (*năm 2020)

(1) Như trong cuốn Sự thực về giác ngộ có đoạn nói về “người tìm kiếm”, trang 17, cơ bản thì là ông chia sẻ về trải nghiệm của chính mình.

(2) Đây là một vị thiền sư cũng rất nổi tiếng người Nhật Bản. Ông đã để lại rất nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật thiền của Hoa Kỳ. Ông qua đời đột ngột khi về Nhật Bản vào năm 1995.

Các sách của tác giả Adyashanti

Adyashanti giảng dạy khắp Hoa Kỳ, Canada, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Đức và Úc. Có hơn 30.000 người ở 120 quốc gia đã được kết nối với Adyashanti. Các cuốn sách của ông tới nay đã được dịch ra hơn 9 thứ tiếng. Bao gồm 11 cuốn sách:

  1. Con đường trực tiếp (The Direct Way)
  2. Cuộc điều tra thiêng liêng (Sacred Inquiry)
  3. Điều quan trọng nhất (The Most Important Thing)
  4. Con đường giải phóng (The Way of Liberation)
  5. Chúa Giê-su sống lại (Resurrecting Jesus)
  6. Rơi vào ân sủng (Falling into Grace)
  7. Nơi tận cùng thế giới của bạn (The End of Your World)
  8. Thiền định thật sự (True Meditation)
  9. Hư không nhảy mua (Emptiness Dancing)
  10. Bí mật của tôi là sự im lặng (My Secret Is Silence)
  11. Và Tác động của thức tỉnh (The Impact of Awakening)

Thiền sư Adyashanti cũng là tác giả của nhiều CD và DVD và cùng với vợ là Mukti, là người sáng lập của Open Gate Sangha, Inc., một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1996, hỗ trợ và cung cấp các giáo lý của ông.

Để biết thêm thông tin. Quý độc giả có thể truy cập website của ông adyashanti.org.

Tham khảo

https://wiki2th.com/vi/Adyashanti

https://thuvienhoasen.org/a33542/danh-sach-100-nhan-vat-dang-con-song-co-anh-huong-tinh-than-lon-nhat-the-gioi

Nam Hải