Lenovo thinkbook 14s yoga là lựa chọn cuối cùng của Nam Hải khi đi tìm máy laptop vào tháng 11/2021. Mình viết bài này chia sẻ lại cho anh em quá trình ra quyết định lựa máy. Hy vọng qua đó, anh em sẽ có thêm một góc nhìn tham khảo khi đi mua laptop vào thời gian này.
Trước tiên mình phải nói là mình cực kỳ yêu máy của Dell. Nhất là laptop dòng Dell XPS. Mình ghét Mac, nhìn nó chảnh chọe, mà họ hàng nhà OS kiêu căng với các phần mềm bên Window nên mình ghét. Trung thực mà nói nữa là mình không đủ xèng xài Mác.
Về lịch sử dùng laptop thì mình bắt đầu có một chiếc laptop đầu tiên vào cuối năm 2006. Đó là một chiếc Acer Core i3, mình mua máy với giá gần 14 triệu qua siêu thị Trần Anh ở 185 Giảng Võ. Mua xong về ăn mì tôm mất 2 tháng. Mình xài tới năm 2011 gì đó thì dùng một em Asus mầu trắng. Sau đó chuyển việc được công ty mới cấp cho một em laptop Asus xịn xò khác nên ít xài. Mãi tới năm 2017 mình mới phải mua máy mới. Từ lúc đó là lúc mình gắn bó với laptop Dell xps.
Nhưng vừa rồi mình đã chọn Lenovo Thinkboks 14s, vì sao? Sau đây mình sẽ trình bầy cho anh em những lưu ý khi xác định nhu cầu để mua máy laptop dưới dạng hỏi đáp. Từ đó anh em có thể tự xác định và giúp anh em tìm đúng máy phù hợp.
Nên mua laptop cũ hay laptop mới?
Theo mình, câu trả lời đúng cho đại đa số người dùng hiện tại là nên mua máy tính mới. Vì hai nguyên nhân, thứ nhất là hệ điều hành window 11 đã ra mắt và đang hoàn thiện rất tốt. Hệ điều hành window 11 yêu cầu cấu hình cao hơn. Một số máy cấu hình cũ sẽ không thể update lên window 11. Thứ hai, là chuẩn wifi 6 có khả năng kết nối internet nhanh hơn. Mà kết nối nhanh hơn thì hiệu suất làm việc cao hơn. Thêm nữa, xài một chiếc máy tính mới đương nhiên là phê rồi.
window 11 đã ra mắt và vận hành đầu đó khá nuột rồi. Còn một số lỗi nữa nhưng không quá quan trọng. Hệ điều hành window 10 sẽ chỉ được update tới năm 2025. Hiện tại, nâng cấp window 11 càng sớm càng tốt.
Wifi 6 mang đến tốc độ lên tới 10Gbps, và đạt 12Gbps ở tần số phát sóng không dây cao nhất và trong khoảng cách rất ngắn. Đây là một cải tiến khá lớn về tốc độ (tăng 30-40% so với chuẩn Wifi 5 cũ).
Trường hợp nào thì chúng ta nên chọn một chiếc máy tính cũ. Đó là khi tầm tài chính eo hẹp nhưng nhu cầu công việc lại cần máy cấu hình cao. Không nói đâu xa, bạn thử vào thegioididong, lọc xem các máy dưới 15 triệu và có core i5 đời chip 11. Kết quả là bạn sẽ chẳng có máy nào hoắc rất ít máy. Trong khi với tầm 7-15 triệu thì máy laptop cũ có rất nhiều lựa chọn tuyệt vời.
Nên laptop tầm tiền khoảng bao nhiêu?
Nhân viên bán hàng thường hay hỏi tầm tiền bạn có thể bỏ ra để mua máy. Và các trang bán lẻ cũng thiết kế bộ lọc sản phẩm của họ theo tầm tiền. Nhưng chúng ta là người dùng, điều trước tiên chúng ta cần là xác định nhu cầu của bản thân. Từ đó mới ra khoảng tiền mà cần phải chi ra.
Trong trường hợp bạn chọn mua máy tính mới thì nên chọn tầm tiền từ 15-25 triệu. Hoặc 25-35 triệu. Hay các dòng máy cao cấp hơn. Mỗi khoảng giá sẽ đi kèm với một số lựa chọn đặc thù. Mình sẽ phân tích ở phía dưới.
Với dòng laptop cũ. Tiền ít nên chỉ chọn máy tầm 6-15 triệu. Nếu mua máy cũ từ 15 triệu trở lên thì có thể chọn hàng lướt. Chứ laptop xài chip intel đời 10th hoặc đã có 2-3 năm tuổi và giá hơn 15 triệu thì mình thấy không đáng. Nên cố gắng dùng máy mới luôn.
Nên mua laptop có CPU nào là phù hợp?
Trươc tiên phải nói rằng chíp AMD rất tốt. Mấy mẫu gần đây của nhà AMD rất xịn xò. Anh em nào là youtuber cần phải xử lý các file video to, nặng và dài thì sẽ rất yêu thích chip AMD. Với người dùng phổ thông thì mình khuyên là nên chọn chip intel cho lành. Mặc dù laptop xài chip AMD sẽ rẻ hơn so với chip intel.
Máy laptop rác chạy chip intel vẫn bán được 1 triệu tới N triệu. Còn chạy chip AMD thì các shop không mua lại. Đồng nát chỉ mua với giá 100k.
Với máy Core i3 thì các phụ huynh có thể chọn cho các cháu học online. Nếu để cả nhà xài thì vẫn nên chọn Core i5. Đây cũng là lựa chọn phổ thông nhất.
Với dòng Core i7 thì áp dụng chủ yếu cho các laptop cần cấu hình mạnh. Quan điểm cá nhân của mình là Core i7 nên xài với máy có card đồ họa. Phục vụ cho chạy các phần mềm chuyên biệt. Đôi khi anh em mua xài cho sướng cũng được. Khi mà tiền không phải nghĩ thì cần gì phải xoắn.
Người dùng bình thường mua máy Core i7 thực ra là rất phí. Cùng một mẫu máy, xài core i5 và core i7 lệch nhau vài triệu. Nếu không có card đồ họa nó cũng chẳng nhanh hơn được mấy phần. Do vậy, Chúng ta cần tính xem tổng thời gian sử dụng tận dụng hết ưu thế của Core i7 của chúng ta có nhiều không? Nếu một tháng render video được 2-3 lần thì thôi. Cứ xài Core i5 là ngon rồi.
Nên mua laptop màn hình bao nhiêu inch? 13 inch? 14 inch? 15 inch?
Tất cả các mẫu dưới 13.3 inch đều chỉ nên xài cho văn phòng. Chúng rất mỏng và nhẹ (Có máy chỉ 1.1 kg) nhưng cấu hình thường yếu. Thậm chí một số máy sẽ giản lược để tăng tính di động. Hơn nữa, nếu phải làm việc thời gian dài trên một chiếc máy có màn hình bé quá thực sự là không khoái lắm.
Mình lựa chọn máy có màn hình 14 inch. Lý do là màn hình đủ lớn. Máy vẫn không quá nặng (dưới 1.5kg). Đáp ứng được nhu cầu kinh doanh và viết lách của mình.
Với máy có màn hình từ 15 inch trở lên xuất hiện một vấn đề. Đó chính là bàn phím số ở phía bên phải. Đó là bộ phận mà bạn cần cân nhắc xem bản thân mình có thực sự cần không?
Với bàn phím số. Mình đoán là các anh chị làm kế toán, kiểm toán… thường xuyên phải nhập liệu sẽ thích. Nhưng với các nhu cầu khác thì không nên. Laptop suy cho cùng vẫn nên ưu tiên cho tính di động. Chứ bắt buộc phải có bàn phím số thì mua cái bàn phím ngoài gắn vào còn hơn. Hoặc xài luôn desktop cho lành.
Với các dòng máy từ 15-17inch mình thực sự thấy xuất hiện lực trở kháng từ đại bộ phận người dùng. Với dân chuyên nghiệp, cũng không mấy người thích một chiếc laptop có màn hình quá khổ. Thay vào đó, họ có thể sử dụng 1-2 màn hình phụ ở nơi làm việc.
Nên chọn máy có ổ SSD bao nhiều GB? 128gb? 256gb? 512gb hay là tới 1T?
Theo mình thì những máy mà ổ cứng chỉ 128gb nên xài để làm việc văn phòng hoặc giải trí. Chứ nếu dùng window 11 cài thêm vài phần mềm vào cũng tốn tới 60-70gb rồi. Dung lượng còn lại gần như không lưu trữ được gì.
Với máy 256gb hoặc 512gb là đáp ứng được đại bộ phần người dùng. Với các dữ liệu kích thước lớn thì vẫn sẽ dùng ổ cứng gắn ngoài. Việc dùng ổ cứng gắn ngoài rất hay. Ví dụ như lưu trữ video hoặc ảnh gia đình. Nếu bạn lưu trữ trong laptop… mà chẳng máy chiếc laptop đó bay mầu thì bạn sẽ mất hết dữ liệu. Việc sao lưu ra ổ cứng gắn ngoài và để ở nhà là tối ưu hơn nhiều. Những chiếc ổ cứng SSD ngắn ngoài mua cũng rẻ và có thêm tính năng bảo mật nữa.
Với các laptop xài tới 1T hoặc 2T thường là lưu trữ video hoặc ảnh nhiều. Với mấy đồng chí Gamer, youtuber hoặc photographer này thì bao nhiêu cũng là ít.
Nên chọn laptop có độ phân giải màn hình là bao nhiêu? 2k? 4k?
Mình có một ông anh. Anh ấy đã chọn chiếc lenovo Yoga 9i với màn hình 4k siêu net siêu mịn. Giá niêm yết của chiếc này khoảng 50 triệu. Đương nhiên là chiếc máy tính đó có nhiệm vụ khá đặc thù và có thể mang lại lợi nhuận gấp nhiều số tiền bỏ ra. Và điểm nhấn chính là cái màn hình 4k, nét tới mức nhìn rõ từng dấu “mứt ruồi” trên ảnh chân dung.
Trời! Chọn cái độ phân giải này toàn là theo ngành nghề và độ chịu chi các bạn ạ. Nhiều tiền thì cứ đồ xịn mà xài. Nhà nghèo thì cố được tới đâu thì cố thôi.
Tiếp theo là vì cổng kết nối, mình có một màn hình 24inch ở ngoài, đường nhiên là của Dell rồi. Ngày trước xài Dell Xps 13 máy cũ, màn hình hiển thị mầu không chuẩn. Lúc thiết kế một các card visit xong gửi đi in mình mới thấy mầu nó khác. Sau này mua luôn một màn hình xịn để ngắn ngoài và hiển thị mầu thật nhất (100% sRGB). Sắp tới mình có thể sẽ mua thêm một màn nữa để xài cho oai. Nếu không đủ cổng kết nối là phải mua thêm cổng phụ rời. Nhìn chung là phức tạp. Hạn chế tính di chuyển. Cái này các bạn cứ nghiên cứu cho kỹ.
Phải là máy gập xoáy 360. Không nằm ngửa ra được thì không mua.
Có rất nhiều lựa chọn, nhưng mình kiên quyết chọn máy gập được 360. Xài như máy tính bảng. Window 11 có một chức năng cực kỳ thú vị đó là hỗ trợ chạy ứng dụng Android. Nhiều anh em đánh giá rằng chức năng này chưa thể thay thế được cho kho ứng dụng của Google Play Store (với 3.4 tỷ ứng dụng) tôi nghĩ cũng đúng. Nhưng tất cả mới bắt đầu, và tương lai thì chưa biết được.
Tiếp theo nữa, đó là Nam Hải thường xuyên phải mang ipad đi để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Nhưng ipad Air có màn hình không đủ lớn. Cấu hình không đủ mạnh để chạy một số file ảnh nặng. Thêm nữa, nhiều lúc phải chạy Excel, gửi ảnh qua zalo, phiếu tính giá, nhận email, làm photoshop… trong thời gian ngắn. Cảm giác rằng có mua ipad xịn hơn thì cũng không thể thay thế được.
Mà mang bộ đôi “latop + ipad” thì nó ngu người lắm. Vì còn hợp đồng, sales kit, thước đo, chuột, bút laser…một tỷ thứ đồ. Vác cái cặp đựng laptop mà nó nặng tới sụp cả vai. Vậy là mình mua think books 14s yoga xong liền bán luôn ipad.
Nhược điểm của màn hình cảm ứng và máy gập xoáy 360 chính là độ bền. Màn hình của laptop dạng này rất đắt. Rơi vỡ một phát là thay cả. Giá thay đủ để mua một laptop cũ luôn. Cơ mà chất! Xài nó sướng lắm anh em ạ!
Tổng kết sau 3 năm sử dụng
Mình viết lại phần tổng kết này vào đầu năm 2024. Sau 3 năm sử dụng Think books 14s yoga mình vẫn hài lòng. Đôi khi ngồi quán café màn hình không đủ sáng hoặc bị bóng nắng chiếu vô… cơ mà không sao. Pin của máy giờ còn khoảng 3-4 tiếng. Cái màn hình thỉnh thoảng nháy nháy xíu, dòng này màn hình yếu thật. Nhưng giá rẻ chỉ mong vậy thôi.
Điều mình hài lòng là tốc độ kết nối mạng rất tốt. Thiết kế hợp lý, xài lâu mới thấy tích kiệm thời gian. Cái bút đi kèm máy giờ vẫn xài tốt. Mình thỉnh thoảng hay mang ra vẽ ảnh chụp chứng khoán. Mọi thứ đều ổn.
Think books 14s giờ đã ngừng kinh doanh. Có lẽ do lỗi màn hình nên ảnh hưởng tới độ bền của máy. Giờ anh em có thể coi Yoga 7 360 độ ngon hơn nhiều. Có chip i7 2.2GB, ram 16gb, Pin 71 cũng trâu hơn và giá vẫn tầm 1000usd.
À mà máy không khuyến nghị với các anh em trong lực lượng an ninh, vũ trang, quân đội, công chức nhà nước nhé. Với anh em còn lại muốn nghiên cứu máy mới có thể xem tại link của thegioididong.
Nam Hải