You are currently viewing Phép Tắc Của Loài Sói: Tâm thái và ý chí của người thành công

Phép Tắc Của Loài Sói: Tâm thái và ý chí của người thành công

Có rất nhiều tiểu thuyết và phim ảnh nhân cách hóa loài Sói. Loài Sói sở hữu sức mạnh đặc biệt hấp dẫn với chúng ta. Ví dụ như bộ phim “Chiến Lang” nổi tiếng của Trung Quốc. Hay cuốn tiểu thuyết “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London. Ngoài ra, trong lĩnh vực sách kinh tế cũng có một quyển sách với “Đạo của Sói” cũng rất thú vị đó là cuấn Phép Tắc Của Loài Sói.

Đầu xuân, mình có tới cửa hàng sách Fahasa, thấy họ vẫn đang bán “Phép Tắc Của Loài Sói” cho dù cuốn sách xuất bản đã lâu. Sách được Fahasa bọc ni lông để chống “tặc sách” đọc trộm. Bìa và giá bán của cuốn sách cũng khá lâu rồi không thay đổi.

Mình đoán đây không phải là cuốn sách dễ bán với Fahasa. Đối tượng độc giả của nó thường là những người ái kỷ mạnh mẽ, giàu tính cạnh tranh và hiếu thắng. Đặc biệt, họ có cái tôi lớn kết hợp với sự khôn ngoan. Họ giống như một kẻ săn mồi trong một thế giới hoang dã. Tức là họ đã “Sói sẵn rồi”, trước khi họ thích cầm và đọc cuốn “Phép tắc của loài sói”.

Sói – Bản năng và ý chí

Nội dung của cuốn Phép Tắc Của Loài Sói là về tinh thần đấu tranh sinh tồn. Giống như một con sói hay một bầy sói tồn tại ở nơi hoang dã. Sói sống với ý thức mạnh được yếu thua, luôn phải cạnh tranh khốc liệt với các loài thú dữ khác và với cả các con sói khác. Với ý chí kiên định và bền bỉ, chúng phải tích cực và chủ động vì mạng sống của mình. Các con sói phối hợp thành bầy đàn để đi săn các con thú to lớn hơn. Lòng tự tôn của một con sói giúp chúng có thể sống chết vì bầy đàn của mình. Sói sống với ý thức kỷ luật và tinh thần đồng đội mạnh mẽ. Một doanh nghiệp cũng rất cần những nhân viên như vậy.

Đối nghịch với loài sói là loài chó nhà. Chó nhà được ăn no, có bộ lông đẹp và trung thành với chủ. Nhưng bản tính hoang dã đã vơi bớt đi. Chó nhà biết xu nịnh nhưng nhiều con đã không còn biết chiến đấu hay săn mồi. Chó nhà biết khuất phục chủ nhân nhưng đã mất quyền tự quyết với chính mạng sống của chúng. Có một câu nói rất hay “Sự sống rất đáng quý, nhưng tự do còn quý hơn”. Bản năng và ý chí là sự khác biệt dễ nhận biết giúp phân biệt giữa chó nhà và sói.

Một trích đoạn hay về “dã tâm”

Là một cuốn sách thúc đẩy tinh thần đấu tranh của người đọc. Phép tắc của loài sói có nhiều đoạn khích lệ tinh thần chiến đấu rất hay. Sau đây là một đoạn như vậy.

Martin Luther King đã từng nói: “Mỗi sự việc trên thế giới đều là do con người ôm ấp hy vọng mà làm nên”. Điều này chính là nói, trên cơ sở những kiến thức về môi trường, con người từ đó mà tìm ra mục tiêu của mình, để thực hiện mục tiêu mà dẫn đến nhu cầu, nhu cầu lại dẫn đến động cơ. Động cơ chính là dã tâm. Dã tâm càng lớn, dục vọng càng mãnh liệt, mưu cầu mục tiêu sẽ càng gần. Cũng giống như cây cung kéo càng căng thì mũi tên càng dễ bay xa.

Có mục tiêu rõ ràng, cao xa, lại có sức mạnh để thực hiện nguyện vọng với ngọn lửa nhiệt tình, kiên trì không từ bỏ thì tất nhiên sẽ sản sinh ra hành động quyết liệt.

Một người không sợ khó khăn, không xem nhẹ sự thất bại, tin tưởng 100%, hướng về mục tiêu đã định sẵn không bao giờ quay đầu thì mới đi đến thành công lục tuổi trẻ. Mong muốn thực hiện nguyện vọng càng mãnh liệt thì khả năng thành công sẽ càng lớn…” – Trang 158.

Đạo của sói – Con đường đi tới thành công

Trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần phát hiện nhân viên nào có cá tính “sói” – Nguồn nhân lực trọng điểm. Luôn tồn tại một bộ phận nhỏ 20% nhân viên mang lại tới 80% hiệu suất lợi nhuận cho doanh nghiệp. Khi nhân viên sở hữu ý thức tích cực chiến đấu. Đó chính là một lời chúc may mắn cho người lãnh đạo.

Với người lao động, đa phần chúng ta đều có tài năng nhất định, sở trường sở đoản thì ai cũng có. Tại sao có người thành công vượt bậc, còn nhiều người khác thì không? Qua phép tắc của loài sói, bạn sẽ nhận ra chính ý chí và tâm thái là động lực giúp bạn đi lên. Sớm tìm ra mảnh ghép còn thiếu giúp bạn hoàn thiện hơn nữa trong cuộc sống.

Bức ảnh vô tình trở nên nổi tiếng về loài sói

Cuốn sách này cũng làm mình nhớ tới cuốn Chó Sủa Nhầm Cây của Eric Barker. Đều là những cuốn sách giúp người đọc thấy được những mảnh ghép còn thiếu. Nhưng nếu so sánh, thì mình thấy Phép tắc của loài sói đơn giản và tập trung bám sát vào chủ đề hơn. Có lẽ cùng là giọng văn của người châu á nên mình cảm thấy dễ hiểu. Nếu được viết cô đọng lại thì cuốn phép tăc của loài sói sẽ còn tốt hơn nữa.

“Mọi người trong cuộc sống và thực tiễn thường sẽ rơi vào cái bẫy phức tạp, gây trở ngại đến suy nghĩ tự do là bởi vì thiếu sự đơn giản.”

Ai là tác giả?

Là một cuốn sách của người Trung Quốc, trong bản của mình có ghi tên “Liệt Phu – Minh Tân là dịch giả”. Một số tái bản khác, ghi tên tác giả là “La Vũ”. Trên một số website bán sách, ghi là “Nhiều tác giả”.

Cuốn sách của mình có “lời tựa” về đạo của Sói. Nhưng cũng không ghi tên tác giả. Vấn đề bản quyền vì vậy mà … thật đơn giản với các nhà xuất bản.

Tới giờ, mình cũng không rõ ai chính xác là tác giả của cuốn sách. Bất kể thế nào thì Phép tắc của loài sói là cuốn sách thuộc thể loại Self-help đáng đọc.

Lời bình về cuốn “Phép tắc của loài sói”

Tôi không bao giờ biết được ai là nhân viên xuất sắc. Cũng như tôi không bao giờ biết được trên thảo nguyên mênh mông rốt cuộc đâu là con sói đầu đàn. Doanh nghiệp cũng giống như nuôi dưỡng một đàn sói. Sói có ba đặc trưng lớn: Một là khứu giác nhạy bén, hai là tinh thần tấn công hết mình, không chịu khuất phục, ba là phấn đấu vì đoàn thể. Muốn mở rộng doanh nghiệp nhất định phải có ba yếu tố này.

Nhâm Chính Phi – Chủ tịch tập đoàn Huawei.

Muốn chiến thắng đối thủ cạnh tranh mạnh hơn mình, điều kiện đói với bản thân mình càng phải khắc nghiệt, nếu như mỗi người, mỗi tế bào đều không có sức cạnh tranh, vậy liệu doanh nghiệp có sức cạnh tranh để chiến thắng không?… Muốn có cảm giác đánh trận, chúng ta phải như sói như hổ, và còn phải là những con sói đói, nhưng con hổ đó, khiến người ta nhìn thấy phải khiếp sợ. Hoặc là trở thành sói, hoặc bị sói ăn thịt.

Dương Nguyên Khánh – Chủ tịch tập đoàn Lenovo

Sói có rất nhiều phương pháp chiến đấu khó tin đáng để chúng ta học hỏi. Thứ nhất, không đánh trận khi chưa có sự chuẩn bị kỹ. Thứ hai, toàn lực tấn công vào thời điểm tốt nhất, dồn đối phương vào đường cùng. Cuối cùng, tinh thần tấn công đoàn đội mạnh mẽ, vì chiến thắng của cả đàn không ngại tan xương nát thịt, hy sinh thân mình. Trong thương trường, đối thủ kiểu như vậy là đáng sợ nhất, có sức công phá mạnh nhất.

Trương Thụy Mẫn – Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Haier

Nam Hải