Nghệ Thuật Tư Duy Ngược Dòng (The Art of contrary Thinking) của Hemphrey B.Neill là một tác phẩm đi trước thời đại. Và, có rất nhiều phần trong sách đã trở nên lỗi thời.
Nội dung
Đi trước thời đại ở thập niên 60.
Nam Hải ban đầu không định review gì quyển này. Nhưng nghĩ lại, giá trị của sự đánh giá của người đi trước là chỉ ra những cạm bẫy cho người đi sau. Nếu chỉ nói về những cái tuyệt vời, hoàn hảo thì chưa chắc đã là đầy đủ cho bạn đọc.
Nghệ Thuật Tự Duy Ngược Dòng được Hemphrey B.Neill viết vào thập niên 1960. Tràn ngập trong quyển sách này là cuộc đấu tranh của tin giả và mạng lưới truyền thông. Ác cảm với chủ nghĩa xã hội và thất vọng với chủ nghĩa tư bản. Ngôn từ thì miên miên man man… lập luận yếu. Nhiều dòng thừa thãi. Không tập trung vào mục tiêu của cuốn sách.
Tôi tin rằng thiếu sót lớn nhất của các nghiên cứu về kinh tế và chính trị chính là việc chúng không tính đến bản chất con người.
Nhưng xin đừng cho rằng sách này không đáng tiền. Chỉ là tốn tiền mua báo từ năm 1960 thì sẽ… hơi xót xa. Nếu để gạn đục khơi trong thì tại đây vẫn có những kiến thức quý giá về tâm lý học kinh tế. Thời điểm mà theo tác giả là chẳng có mấy ai viết. Và cả tâm lý đám đông, cách điều khiển đám đông và cách tách ra khỏi tư duy đám đông. Ngoài ra, Neill còn nói rất nhiều về tiền và thị trường chứng khoán. Nói gì nói, gần 60 năm trước cụ đã nhìn ra sự phù phiếm của tin tức và vấn nạn tin giả dù chẳng có internet, thật sự cụ rất đáng nể.
Không còn phù hợp với khẩu vị của người đọc hiện đại.
Tin tức giật gân suốt 24h và chủ nghĩa giật gân ngu ngốc đang khủng bố tinh thần của chúng ta trong cuộc sống hiện đại.
Tác phẩm của ông nhắc nhở chúng ta rằng khi “nghiền ngẫm” và đào sâu vào tính biến động của thế giới, chúng ta sẽ cảm nhận tốt hơn thông qua việc hiểu thấu đáo sự thoái trào và dòng chảy của tư duy theo nhóm. Đồng thời, giảm thiểu được sai lầm có thể mắc phải trong đầu tư và cuộc sống bởi các quyết dịnh vội vã.
Tuy nhiên, hiện tại thì như bạn biết đó. Sách về con người thị trường, con người kinh tế học… rất nhiều. Còn chủ đề về tiền và chứng khoán thì vô biên sách báo. Vấn nạn tin giả đang được các mạng xã hội rà soát kỹ lưỡng vì sự tồn vong của chính họ. Thêm nữa, sự đề phòng cảnh giác của người đọc ngày nay cao hơn rất nhiều. Suốt 60 năm qua đã diễn ra thêm nhiều cuộc chiến, nhiều cuộc khủng hoảng và loài người cũng có thêm nhiều công cụ xã hội mới. Do vậy, theo cá nhân Nam Hải đánh giá là những ý kiến của Neill không còn phù hợp nữa.
Bạn nên đọc cuốn Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon.
Hầu hết những kiến thức cơ bản về đám đông trong sách… được viết trong 1 vài trang ở đầu sách. Chắc trong khoảng… 2 trang 38 và 39 nhỉ!? Hầu hết kiến thức đó bạn có thể tìm bằng cách search Google – thứ mà thời của ông chưa có. Sau đó là những lập luận và ví dụ rất dài của Neill. Các đoạn trích dẫn kiến thức chủ yếu từ trong cuốn “Tâm lý học đám đông”(1948) của Gustave Le Bon (1841 – 1931). Pha trộn giữa chính trị, thị trường chứng khoán và cả về thôi miên, tin giả…. Thực sự là Nam Hải không đủ kiên nhẫn để đọc hết.
Do vậy, nếu được đặt tên cho cuốn sách, Nam Hải đề xuất tên là: “Lịch sử sách kinh tế học: Góc nhìn của một nhà kinh tế học ở thấp niên 60”. Cuốn sách sẽ có giá trị với các nhà kinh tế học, những người nghiên cứu lịch sử Mỹ, và những ai đam mê tranh cãi về chính trị. Không phù hợp với đại bộ phận quần chúng.
Vài trích dẫn cố gắng hết sức của Nam Hải trong “Nghệ thuật tư duy ngược dòng”:
Thomas Paine đã lập luận trong Common Sense (Tinh thần chung) rằng nếu muốn học được thứ gì đó quý giá, bạn phải tự dạy chính mình. – Trang 20.
Khi đám đông tán thành một ý tưởng, họ thường bị cảm xúc làm cho chệch hướng. Khi mọi người đứng lại để suy nghĩ thấu đáo về các sự việc, họ tỏ ra rất ôn hòa trong các quyết định. Bạn sẽ nhận ra đám đông đang sai khi có vài sự cố phá sinh khiến cảm xúc bùng lên mạnh mẽ.
Một đám đông suy nghĩ bằng trái tim (nghĩa là bị ám ảnh bởi cảm xúc), trong khi một cá nhân lại thường tư duy bằng lý trí. Họ chấp nhận những điều được “gợi ý” hay “khẳng định” mà không cần bằng chứng.
Suy thoái sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó, nhưng chắc chắn không phỉa là khi tất cả đều dự đoán về nó. – Trang 57.
Hướng dẫn về tâm lý đám đông – nói ít và đảm bao nhiều; rồi lặp lại điều đó – gần như chắc chắn ông sẽ dành chiến thắng. – Trang 137.
Thêm một vài trích đoạn về kinh tế:
Kể từ khi thế giới (và Mỹ) “hết vàng”, nguồn cung tiền được quy định bởi con người thay vì thứ kim loại đó. Do đó, cung ứng tiền đã trở thành chìa khóa chủ yếu của dự báo kinh tế. Trang 82.
Nếu hỏi “Cái gì đúng?” về câu hỏi nào đó, chúng ta sẽ nhận thấy thực ra mình đã thay đổi toàn bộ cách thức tư duy. – Trang 134.
Bạn không thể kiểm soát hay điều chỉnh các quy luật cung cầu mà đồng thời vẫn tự do hành động – một khái niệm cơ bản về hệ thống doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ. – Trang 175.
Khả năng sinh lời (của bất động sản và các cá nhân) là nền tảng trong việc chống lại thành công sự thua lỗ từ một đợt mất giá tiền tệ. – Trang 239. Câu này hay nhưng dịch tối nghĩa “không tưởng” được. Có lẽ do dịch giả giữ nguyên tác.
Nam Hải