You are currently viewing Homo Deus Lược Sử Tương Lai của Yuval Noah Harari: Loài người thần thánh

Homo Deus Lược Sử Tương Lai của Yuval Noah Harari: Loài người thần thánh

Tiếp nối thành công của cuốn Sapiens Lược Sử Loài Người, tác giả Harari cho ra mắt Homo Deus Lược Sử Tương lai vào năm 2015. Cuốn sách nói về con người thần thánh và thêm một lần nữa tiến sĩ Harari đạt được thành công vang dội.

Là phần hai, nên đọc sau khi đọc cuốn “Homo Sapien – Lược sử loài người”

Homo Deus – Lược sử tương lai có tên tiếng anh là “Homo Deus – A brief history of tomorrow”. Bạn có thấy tiêu đề “Lược sử tương lai” kỳ cục không? Thứ nhất, từ “lược sử” có nghĩa là nhìn nhanh qua một giai đoạn lịch sử. Mà “tương lai”, thì lại là nói về những gì chưa xảy ra. Vậy nên, “lược sử tương lai” thật là phi logic!?

Theo tôi tiêu đề của cuốn sách này cần được hiểu là: nhìn lại lịch sử để thấy trước một vài lát cắt của tương lai.

Đa phần người đọc tìm tới Homo Deus khi đã có cảm xúc với cuốn Homo Sapiens đã được xuất bản trước đó cũng của tác giả Harari. Homo Sapiens – Lược sử loài người có nội dung nói về hành trình dài hơi của loài người từ vài triệu và chục nghìn năm về trước tới ngày nay. Giống như bạn ngồi trên UFO quan sát sự sống trên trái đất tua nhanh qua vạn niên vậy.

Với Homo Deus, phần tiếp nối, giáo sư Yuval Noah Harari tập trung nhiều hơn vào thời kỳ cận đại tới nay. Tức là tập trung nhiều hơn vào phần lịch sử hơn hai nghìn năm sau công nguyên. Thông qua đó, ông muốn dự báo về những thách thức sắp tới trên con đường phát triển mà loài người có thể gặp.

Vì vậy nếu tiêu đề cuốn sách là Lược Sử Tương Lai, chỉ là chưa rõ nghĩa.

Homo Deus – loài người thần thánh

Mở đầu của cuốn sách Homo Deus – Lược Sử tương lai nói về nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh. Ba vấn đề chính cần giải quyết của loài người. Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu ba nan đề đó được giải quyết hết. Thì sau đó, con người sẽ đi đến đâu? Các chính trị gia sẽ còn lại gì để hô hào. Thế hệ tương lai của loài người còn vấn đề gì để khỏa lấp chỗ trống trong tâm trí của họ?

Khi loài người đã được cứu thoát khỏi đau khổ cùng quẫn, giờ thì ta sẽ nhấc loài người vượt lên cấp độ thú tính của cuộc đấu tranh sinh tồn, giờ mục đich của chúng ta sẽ là nâng cấp con người thành thần thánh và biến Homo Sapiens (“người tinh khôn”) thành Homo Deus (“người thần thánh”).

Theo tiến sĩ Harari, khi con người dẫn dần giải quyết được những vấn nạn cơ bản. Chúng ta bắt đầu hoàn thiện “quyền được sống” – hay chính xác hơn là sự bất tử. Tuổi thọ của loài người đã liên tục tăng trong dòng lịch sử. Dịch bệnh dần lùi xa, và tuổi lao động càng ngày phải tăng theo tuổi thọ. Sống dai chưa hẳn đã sướng, con người còn muốn sống hạnh phúc. Tức là cuộc sống phải đủ đầy, phải nhiều trải nghiệm mới và tràn ngập sự tự do. Như một vị thần trên trái đất. Chúng ta muốn khống chế tự nhiên, quyết định sinh mạng của vạn vật. Thay đổi dòng chảy của những con sông và chinh phục không gian.

Sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ cũng dẫn tới sự thay đổi sinh hóa của loài người. Giống như “cuộc đại nhảy vọt” về tiếng hú ở loài vượn người đã góp phần giúp Homo Sapiens có thể giao tiếp với hàng trăm cá thể khác nhau. Và có một cái thanh quản khác biệt so với nhiều loài khác vậy. Câu hỏi mà giáo sư Harari giải đáp cho chúng ta chính là: sự phát triển về công nghệ, nhất là trong vài trăm năm qua đã và sẽ thay đổi loài người như thế nào?

Thực trạng về loài người hiện tại

Thế nhân tân (anthropocene) là môt thuật ngữ đã từng gây tranh cãi trong giới học thuật. Độc giả có thể đọc cuốn Đợt Tuyển Chủng Thứ 6 của nhà báo Elizabeth Kolbert để hiểu hơn về các “Thế” này. Hoặc ở phần cuối của cuốn Homo Deus cũng có phần Harari nói về nó. Ngắn ngọn thì bạn có thể hiểu nó là sự phân chia lịch sử phát triển của trái đất theo những gì chúng ta có thể thấy qua các tầng lớp địa chất và hóa thạch. Harari và nhiều học giả khác gọi giai đoạn hiện tại của lịch sử hành tinh chúng ta là Thế Nhân Tân. Theo họ, trong vòng 70.000 năm, loài người chính là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng tới hệ sinh thái toàn cầu.

Song cụ thể thì loài người đã tác động tới thế giới như thế nào? Chúng ta đã thay đổi ra sao trong suốt vài vạn năm vừa qua? Homo Sapiens đã mang lại những ý nghĩa gì cho thế giới?

Vẫn với chất giọng đầy chất khách quan, tiến sĩ Harari kể cho người đọc về về hành trình thay đổi của loài người. Đó là hành trình thay đổi nhận thức của chúng ta về bản thân và thế giới. Một thế giới liên chủ quan với linh hồn, tôn giáo, các hình thức xã hội và cả nhận thức về mặt sinh học, kỹ thuật, nghệ thuật, công nghệ.

Sự hình thành quyền lực của các thuật toán

Nội dung chính của cuốn Homo Deus, Harari tập trung nhiều hơn vào chủ nghĩa nhân văn và các hình thức xã hội khác của loài người. Với ưu và nhược điểm của nó. Sau đó ông hướng mọi người tới những sự thay đổi trong bản chất của chúng ta.

Trước đây vào thời trung cổ, quyền lực của con người tới từ những trên những đám mây, từ các vị thần. Nếu bạn gặp khó khăn trong cuộc sống? Hãy lắng nghe lời của Chúa, hãy lắng nghe kinh thánh.

Chủ nghĩa nhân văn đã mang đến liều thuốc độc cho một cuộc sống sinh tồn vô nghĩa và vô luật, nó là một tín điều mới có tính cách mạng đã chinh phục thế giới trong vài thế kỷ trở lại đây. Tôn giáo nhân văn tôn thờ loài người, và mong chờ loài người đón vài trò của Chúa trong đạo kito và đạo hồi, hay vai trò của các quy luật tự nhiên trong Phật Giáo và Đạo giáo.

Sau đó, bạn đã có chủ nghĩa nhân văn đến và nói với mọi người rằng: “Hãy hạ uy quyền từ trên mây, xuống cảm xúc của con người. Đừng nghe kinh thánh, đừng nghe Chúa với giáo hoàng, hãy lắng nghe cảm xúc của chính mình.”

Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế giới quan mới. Hay là một hệ tư tưởng mới. Chúng ta có thể gọi nó là chủ nghĩa dữ liệu. Bởi vì nó tin rằng, quyền lực cuối cùng tới từ dữ liệu. Và chủ nghĩa dữ liệu chuyển quyền lực và các cơ quan chức năng trởi lại với… các đám mây. Cho Google Cloud, cho Micorsoft Cloud. Và chủ nghĩa dữ liệu nói với mọi người rằng: “Đừng lắng nghe cảm xúc của bạn. Hãy lắng nghe Google, hãy lắng nghe Amazone. Họ biết bạn cảm thấy thế nào và họ cũng biết lý do tại sao bạn cảm thấy theo cách mà bạn cảm thấy, và do đó họ có thể đưa ra các quyết định tốt hơn thay bạn.”

Điều đó có ý nghĩa gì trong thực tế? Điều đó rất quan trọng với tôi với tư cách một nhà sử học. Để luôn hạ bệ không chỉ quyền lực từ trên mây xuống con người mà còn hạ thấp những ý tưởng rất trừu tượng này xuống những ví dụ cụ thể từ cuộc sống hàng ngày của con người. Vì quyền lực đã chuyển từ cảm xúc sang các thuật toán.

* Trong sách, dịch giả của Nhã Nam dùng từ “Dữ liệu giáo” cho từ Dataism – nghe nó hơi bàng môn tả đạo nên mình giữ bản dịch là “Chủ nghĩa dữ liệu” theo google dịch cho nó ghê gớm nha. Cũng nói thêm, phần này mình cũng dịch từ bài nói chuyện của giáo sư Harari, không phải do mình viết.

Thế giới và các hãng công nghệ sau đã thay đổi ra sao?

Cá nhân tôi cho rằng chính cuốn sách này của Harari là lời cảnh tỉnh cho nhiều nhà lập pháp. Cuốn sách đã cho thấy quyền lực của con người bị ảnh hưởng ra sao bởi công nghệ. Mà theo viễn cảnh của giáo sư Harari đã cảnh tỉnh:

“Con người là một sinh vật thuật toán. Homo sapiens càng ngày càng trở nên thất thế và chủ nghĩa dữ liệu trở thành một hình mẫu. Trong quá trình phát triển công nghệ để khám phá thế giới. Chúng ta liệu có bị truất quyền kiểm soát bởi một sinh vật mới cho chính chúng ta tạo ra, homo deus?”

Tôi cho rằng, cuốn sách đã góp phần hạ bệ quyền lực của bigtech (các công ty lớn nhất và thống trị nhất trong ngành công nghệ thông tin của Hoa Kỳ, đó là Amazon, Apple, Google, Facebook và Microsoft). Khiến cho Apple phải thay đổi quyền riêng tư vào năm 2020. Làm cho Google, Facebook mất hàng tỷ doanh thu tiền quảng cáo.

Nói riêng về google, các hệ thống thuật toán cào dữ liệu (IR – Information retrieval) của họ cực kỳ tinh vi và khủng khiếp. Những câu truy vấn “tương lai” được thể hiện bằng bigdata với số phần trăm cụ thể có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội của nhiều quốc gia. Chỉ cần đủ dữ liệu, những nhà phân tích có thể dự đoán trước một phần tương lai. Giúp cho các cường quốc phản ứng linh hoạt hơn trong tình hình biến động địa chính trị trong thập niên tới. Đó cũng là lý do mà vì sao nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc hay như Việt Nam ta luôn chỉ duy trì độ mở nhất định trên môi trường internet.

Cách đây 1-2 tháng, tôi vui mừng vì Zalo sắp tới sẽ thu phí người dùng. Họ đang co lại để gia tăng lợi nhuận. Ứng dụng này đã phát triển quá lớn với tầm của họ. Theo tôi, giống như các nước châu âu đã quốc hữu hóa công ty hàng hải Đông Ấn mấy trăm năm trước. Đáng ra Zalo cần bị kiểm soát hoàn toàn bởi bộ khoa học công nghệ. Zalo hiện nay còn hiểu người việt hơn tổng cục thống kê (ý tôi là hệ thống nhà nước ấy). Ai sẽ cản họ lại khi họ làm gì đó sai với dữ liệu của 70 triệu người dân Việt Nam?

Chủ đề mặt trái của công nghệ còn rất dài. Hôm nay tôi chỉ muốn nói rằng cuốn Homo Deus – Lược Sử Tương Lai là một cuốn sách rất đáng để bạn đọc và suy ngẫm.

Bài nói chuyện về cuốn sách Homo Deus của giáo sư Yuval Noah Harari

Lời bình về cuốn Homo Deus

“Cuốn sách đầy cuốn hút này bàn về một viễn cảnh đáng sợ, trí thông minh nhân tạo mà ta tạo ra sẽ biến đổi chính chúng ta… homo deus mang lại cho ta cảm giác như đang đứng bên rìa một vách đá sau cuộc hành trình gian khổ kéo dài.” – The Guardian

Cuốn Homo Deus cho chúng ta cái nhìn về những giấc mơ và những cơn ác mộng sẽ định hình thế kỷ 21. – Harari.

Nam Hải