The Tipping Point (Điểm bùng phát) được Malcolm Gladwell viết vào khoảng năm 2000. Đây là cuốn sách đầu tiên trong loạt sách xã hội học và tâm lý học của ông.
Nam Hải đọc cuốn Điểm bùng phát vào khoảng năm 2013. Lúc đó tài chính eo hẹp, nên đọc sách online. Về sau thì mua được một cuốn sách bỏ túi. Đây là cuốn sách Nam Hải đã mang theo đọc khi đi đường.
Đây là dạng sách phóng sự khoa học. Hãy chuẩn bị trước khi đọc!
Điểm bùng phát là dạng sách tâm lý học xã hội, dạng sách mang tính phóng sự khoa học. Đây không phải dạng sách đọc nhanh dễ nuốt. Điểm bùng phát dễ hấp thu với những người đọc đã có trải nghiệm sống. Với nhiều bạn trẻ sẽ khó khăn hơn. Chuyện này là bình thường.
Rất nhiều lý do khiến đọc sách khoa học vất vả. Với cá nhân Nam Hải thì ví dụ như cuốn Da thịt trong cuộc chơi của Nassim Taleb, cuốn này cấu trúc rối loạn, Taleb viết như bị tẩu hỏa nhập ma. Hay như cuốn sách Đợt Tuyệt Chủng Thứ Sáu của Elizabeth Kolbert. Có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, tên chi tên họ các loài tuyệt chủng… khiến cho trải nghiệm đọc bị hạn chế. Những lúc như vậy, Nam Hải chỉ biết chấp nhận… và đọc tiếp.
Tất cả những ai hay đọc sách đều có những lúc nản lòng. Cả kể với Bill Gates, Warren Buffett hay Jeff Bezos. Vì có những cuốn sách mà chủ đề khá khó để phân tích và có thể hiểu. Tập từ ngữ của chúng ta không đủ dùng. Không đúng lĩnh vực chuyên môn. Khác bối cảnh xã hội. Hoặc ngữ văn trong sách lòng vòng, thiếu cấu trúc. Không có cuốn sách nào là hoàn hảo cả.
Thêm nữa, Chúng ta đọc sách tiếng việt, qua chữ nghĩa của dịch giả. Trải nghiệm đọc đã khác với nguyên tác. Hay vì lý do chủ quan, chúng ta thiếu trải nghiệm để thẩm thấu được nội dung của cuốn sách. Kỹ năng đọc chưa tốt, chưa biết cách đọc, có trở ngại về tâm lý trước khi đọc …
Chính nỗ lực đọc giúp chúng ta gia tăng cơ bắp cho não bộ. Thử thách đọc sách khó chính là thách thức để chúng ta mài dũa. Giống như một võ sĩ với bao cát vậy. Đây chỉ là luyện tập.
Mách bạn vài mẹo nhỏ như sau. Chúng ta có thể đề ra mục tiêu kiểu: “Mình sẽ đọc hết chương về tội phạm ở New York xong mới nghỉ”. Bạn rất cần có mục tiêu và tinh thần cởi mở. Săn sàng chấp nhận những điều bạn chưa biết trong sách. Hay như chấp nhận bối cảnh cuốn sách là từ những năm 2000 trở về trước. Hãy nhớ đọc phần mục lục và xác định những khó khăn có thể gặp phải. Khi bạn có chuẩn bị tâm lý thì trải nghiệm đọc sẽ dễ dàng hơn.
Đại dịch tâm lý xã hội, tưởng xa mà gần.
Các đại dịch luôn đang ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn. Nhưng bạn đã chuẩn bị để hiểu về nó? Khi nhìn các bạn trẻ tầm tuổi đôi mươi ra đường với mái tóc đỏ, tóc xanh, bạch kim… phỏng theo các thần tượng K-Pop. Nam Hải nhớ ngay tới cuốn Điểm Bùng Phát: “Ooh! Đại dịch K-Pop đang lây lan.” Tất cả bắt đầu từ đâu?
Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy đất nước mấy chục triệu dân khó có thể sống trong một bán đảo nhỏ và nghèo tài nguyên. Họ chủ trương xuất khẩu chất xám từ rất sớm. Các lĩnh vực như văn hóa, giải trí là những flagship tiếp theo sau sự thành công của các “Chaebol” công nghiệp và công nghệ.
Từ khoảng 1980, ở Hàn Quốc có rất nhiều các tác phẩm âm nhạc nghe nhìn trực quan, phim truyền hình tình cảm dài tập. Những năm 1998-2004, làn sóng văn hóa Hàn Quốc gây tiếng vang ở châu á qua những bộ phim như: Trái tim mùa thu, Nấc thang lên thiên đường, Ngôi nhà hạnh phúc, Nàng Dae Jang Geum…. Sau đó mạng internet bùng nổ, càng giúp cho làn sóng văn hóa Hàn Quốc càn quét khắp thế giới.
Năm 2012, Chắc bạn còn nhớ bài Gangnam Style của Psy đã thống trị Youtube với hơn 1 tỷ lượt xem (View). Hiện tại, bài hát đã có tới hơn 4 tỷ lượt view. Chưa kể các video ăn theo khác vài trăm triệu view.
Đài Loan cũng có những sản phẩm giải trí ăn khách rất sớm. Nhưng làn sóng văn hóa đài loan hiện tại không còn mạnh và bền vững như của Hàn Quốc. Thứ mà giờ đây, đã trở thành quyền lực mềm của quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới.
Phỏng theo mô típ (motif) của các tác phẩm điện ảnh thành công Hàn Quốc. Gần đây Trấn Thành đã cho ra rạp phim Bố Già. Với tình tiết kịch tính thăng hoa cảm xúc, đối tượng độc giả gia đình, âm nhạc chất gất cảm xúc. Phim được đầu tư rất lớn. Thật mừng là tác phẩm gây sốt. Giúp làng phim Việt Nam có cuộc đời nở hoa.
Ơn giời! Bố già đây rồi!
Trên đây đều là những “đại dịch xã hội”. Chúng lây lan từ người qua người. Và về bản chất, chúng là các sản phẩm và ý tưởng. Đương nhiên, chúng ta không quên đại dịch thực sự là virus Covid-19. Như ở trong cuốn Điểm Bùng Phát, Malcolm Gladwell dùng đại dịch AIDS để ví dụ.
Đó là cô tiếp viên hàng không trên chuyến bay Pháp – Canada, Gaetan Dugas. Cô ấy thừa nhận đã quan hệ tình dục với 2.500 bạn tình trên khắp bắc Mỹ và cũng liên quan đến ít nhất 40 ca mắc AIDS gần nhất ở California và New York. Tất cả họ đều thuộc vào nhóm những người khiến đại dịch bùng phát. – Trang 29.
Nếu bây giờ viết lại, Chắc chắn Malcolm Gladwell sẽ thêm cả một chương về Covid-19 vào cuốn sách.
Các xu hướng trong xã hội không tự dưng xảy ra.
Không chỉ riêng gì Covid. Điểm bùng phát được viết vào khoảng những năm 2000-2002, sẽ không nói về những làn sóng sau đó. Những làn sóng có sự hỗ trợ của Internet như làn sóng văn hóa Hàn Quốc hay cách mạng mầu, cách mạng mùa xuân Arap. Hay ở nước ta, các làn sóng văn hóa thường được giới trẻ gọi là “Hot trend”. Gần nhất là hot trend “Trà xanh”, “Thương em” của Sơn Tùng MTP. Hay hot trend về thời trang, ẩm thực, du lịch, sống ảo… đủ kiểu.
Các trang mạng xã hội như Facebook, Instragram, Tictok, pinterest…. Chính là các nền tảng đã làm lan truyền vô vàn những làn sóng trong xã hội hiện đại. Cũng nhờ công nghệ phát triển, sự phổ biến của smart phone khiến cho việc tiếp cận các mạng xã hội, video trở nên dễ dàng hơn. Dẫn tới các “làn sóng văn hóa xã hội” trở nên lây lan nhanh hơn.
Mỗi đại dịch xã hội đều có xuất phát điểm từ những cá nhân mang tính kết nối cao trong cộng đồng. Đều có xuất phát điểm, có động cơ và có cả điểm bùng phát – đạt tới đỉnh cao lây nhiễm trong xã hội. Với số lượng đại dịch này ngày càng nhiều.
Mặt trái của nó chính là sự ô nhiễm thông tin.
Vì sao bạn cần vạch giới hạn bản thân khỏi các đại dịch xã hội? Vì sao tổng thống Putin không dùng facebook?
Với những virus là “ý tưởng”. Nếu bạn để ý, thì tất cả đều bắt đầu từ những thay đổi nhỏ. Trong một môi trường dễ lây lan. Chúng ta chỉ là những homo sapiens lười biếng luôn đi tìm cảm xúc khuây khỏa. Một cái ngáp ngủ của người đối diện cũng làm ta bắt chiếc theo. Những nhà tiếp thị khôn ngoan luôn muốn bạn nhớ tới sản phẩm của họ. Cả kể những chính trị gia cũng cần những lời cam kết để đạt được sự đồng lòng của công chúng.
Vi tế hơn, khi còn nhỏ chúng ta may mắn sẽ được bố mẹ, thầy cô giáo và bạn bè “dậy” cho những điều kỳ lạ. Có cái được đặt tên và thống kê. Nhưng có những đặc điểm tạo ra nhân cách mà không hề được có tên. Sự phức tạp của bộ não là vậy. Hoàn cảnh, ý tưởng, kết dính, ám thị, lặp lại nhiều lần…. hình thành nhân cách và những lựa chọn. Chính những ý tưởng đó biến bạn trở thành người như hiện tại.
Trong Điểm bùng phát, những đặc trưng của một đại dịch xã hội: Quy luật thiểu số (The Law of the Few), Yếu tố kết dính (The Stickiness Factor) và Sức mạnh của hoàn cảnh (The Power of Context) vẫn rất đúng tới giờ.
Mỗi chúng ta chỉ là một mảnh ghép, một tế bào xã hội. Khi ai đó rung động, những người khác xung quanh cũng rung động theo. Mọi ý tưởng hay dịch bệnh đều có thể lây lan. Thật vậy, hãy nghĩ xem, chính các ý tưởng giúp tạo ra cái tôi của mỗi người. Càng nhiều rung động. Chúng ta càng bị “lây nhiễm”. Ô nhiễm thông tin còn đáng sợ hơn Covid vì “tư tưởng” không thể đeo khẩu trang. Người bị nhiễm bệnh không lăn đùng ra ngất giữa đường. Mà sống chơi với trong xã hội nhưng không biết mình là ai.
Trước những làn sóng đại dịch xã hội như vậy. Chúng ta rất cần tự bảo vệ bản thân. Có một số giải pháp. Ví dụ như việc tổng thống Putin không dùng mạng xã hội. Vì ông không phải “điểm chuyển tiếp sóng”. Mà vì chính ông ấy là một “nguồn phát” rất lớn. Nam Hải cũng đã xóa các ứng dụng xã hội trên điện thoại. Nam Hải đảm bảo, dùng máy bàn sẽ giúp giảm thời lượng truy cập facebook của người bình thường tới hơn 50%. Điều này rất cần thiết.
Lý do bạn nên đọc Điểm Bùng Phát
Như câu cuối cùng của Malcolm Gladwell viết trong cuốn sách: “Trong một thế giới mà ở đó sự cô lập và miễn nhiễm chiếm ưu thế, việc nắm bắt được những quy tắc truyền khẩu này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”
Điểm bùng phát là cuốn sách có thể giúp chúng ta từ việc nuôi dậy thú cưng tới điều hành doanh nghiệp. Đơn giản là vì góc nhìn từ cuốn sách sẽ làm thay đổi thế giới quan của độc giả.
Một là, đọc để biết rằng khi nào mình đang bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tâm lý xã hội, sản phẩm phong trào, đại dịch bệnh… Điều này giúp bạn có cái nhìn khách quan về chính bản thân.
Thứ hai, bạn nên đọc để hiểu nguyên tắc “phát” và “nhận” các đợt bùng phát. Không ai thành công một mình cả. Chúng ta đều phải “truyền” các ý tưởng tới người khác để đồng bộ tư duy. Nếu bạn muốn trở thành một nhà thông thái, một người kết nối hay một người bán hàng thì đây là kỹ năng nhất định phải có.
Thứ ba, Đọc để hiểu ra rằng nền tảng hành vi của chúng ta chính là sự mô phỏng. Đó là thứ bạn thấy mỗi ngày. Bạn cần tập trung mô phỏng người bạn muốn trở thành hơn là chạy theo ai đó.
Cuối cùng, các đại dịch bùng phát và sẽ có hồi kết. Làn sóng tiền tỷ mua hoa lan đột biến sẽ có ngày kết thúc. Đại dịch Covid-19 cũng sẽ có lúc thoái trào. Nhà nhà đầu tư chứng khoán thì cũng có người thành, kẻ phá sản. Khi thủy triều rút mới biết ai bơi truồng. Không nhìn được những cơn sóng là điều tệ nhất của một thương nhân. Điểm Bùng Phát sẽ luôn là một cuốn sách đáng đọc.
Về tác giả Malcolm Gladwell (Theo Wiki)
Malcolm Timothy Gladwell CM (sinh ngày 3 tháng 9 năm 1963) là một nhà báo, tác giả, và diễn giả gốc Canada sinh ra tại Anh. Ông là một cây bút của báo The New Yorker từ năm 1996. Tính đến hiện tại, ông đã viết 5 cuốn sách:
- Điểm Bùng Phát: Làm thế nào những điều nhỏ bé tạo nên khác biệt lớn lao?(2000);
- Trong Chớp Mắt: Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ (2005);
- Những Kẻ Xuất Chúng: Cái nhìn mới lạ về nguồn gốc của thành công (2008);
- Chú Chó Nhìn Thấy Gì: Lật tẩy những góc khuất trong cuộc sống xã hội (2009) – đây là một tập hợp của các bài báo Malcolm tâm đắc nhất;
- và David và Goliath: Cuộc đối đầu kinh điển và nghệ thuật đốn ngã những gã khổng lồ (2013).
Tất cả năm cuốn sách đều trở thành Best-Seller – nằm trong danh sách Bán Chạy Nhất của The New York Times. Bên cạnh đó, ông cũng là người chủ trò của podcast (cuộc hội đàm) Xét lại Lịch sử.
Sách và bài viết của Gladwell thường tiếp cận và giải quyết vào những mối liên hệ đầy bất ngờ, ẩn sau những sự việc trong xã hội và các nghiên cứu khoa học xã hội. Ông cũng thường xuyên đào sâu, mở rộng ý nghĩa, ứng dụng của các nghiên cứu lí thuyết, học thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội học, tâm lý học, và tâm lý học xã hội. Gladwell được trao cho Huân chương Canada – Huân chương cao quý thứ hai của Canada vào ngày 30 tháng 6 năm 2011.
Cảm hứng đầu tiên cho cuốn sách đầu tay Điểm Bùng Phát đến từ đợt ân xá tội phạm bất ngờ ở thành Phố New York. Gladwell muốn cuốn sách có một sức hấp dẫn lớn hơn chứ không chỉ là tội phạm, và ông đã tìm ra cách viết về hiện tượng này bằng cách giải thích một hiện tượng tương tự qua lăng kính của dịch tễ học. Khi Gladwell là một phóng viên của tờ Washington Post, ông từng phụ trách chủ đề về đại dịch AIDS. Ông bắt đầu chú ý đến chủ đề “các bệnh dịch lạ là như thế nào”, và từ đó ông nhận ra một nhà dịch tễ học “có một góc nhìn khác về thế giới”. Thuật ngữ “điểm bùng phát” cũng xuất phát từ ngành dịch tễ học, đó là thời điểm khi virus đạt đến lượng nhất định – lượng tới hạn và bắt đầu lây lan ở một tỷ lệ cao hơn nhiều.
Nam Hải