You are currently viewing Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie: Cách sống của người tử tế

Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie: Cách sống của người tử tế

Đắc nhân tâm của Dale Carnegie là quyển sách đầu tiên và hay nhất về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử. Sách đã được in ra hầu hết các thứ tiếng. Đứng đầu sánh sách bán chạy nhất của báo The New York times hơn 10 năm. Và đã được in hàng triệu bản. Ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người.

Sách nổi tiếng thế mà ban đầu Nam Hải tưởng là sách của Trung Quốc.

Nam Hải đọc lần đầu tiên sách này là bản cũ, từ rất lâu rồi. Sau này đọc lại mới phải mua quyển mà Nam Hải cầm trên tay. Hồi nhỏ, khi còn chưa đọc, Nam Hải tưởng đây là sách… của Trung Quốc. Dạng cũng giống như Nhị Thập Tứ Hiếu, Tam Cương Ngũ Thường… gì gì đó. Vì mình thấy tiêu đề sách đặc sắc quá mà.

How to win friends and influence people, dịch đúng thì là “Làm thế nào để cùng thu hút với bạn bè và ảnh hưởng tới mọi người”. Từ Win ở đây bạn có thể hiểu là “to receive something positive, such as approval, loyalty, or love because you have earned it”. Dĩ nhiên, dịch ra là “Đắc Nhân Tâm” thức sự rất hay và hợp lý. Nam Hải thấy chính tên sách “Đắc nhân tâm” đã mang lại thành công cho cuốn sách tại thị trường Việt Nam.

Có lẽ một trong những hành động marketing thành công nhất của Carnegie là thay đổi cách đánh vần họ của ông từ “Carnegey” thành Carnegie, ở thời điểm khi Andrew Carnegie, ông vua thép, một người không hề có họ hàng với ông đang nổi tiếng và được ngưỡng mộ khắp nơi.

Nội dung chính của Đắc Nhân tâm nghệ thuật giao tiếp và ứng xử.

“Thước đo sự giáo dục của một con người chính là khả năng ứng xử của anh ta trước những tình huống của cuốc sống.”

Trong Đắc Nhân Tâm, từ khóa ấn tượng nhất chắc chắn là: “Khen”. Tại sao phải khen người khác? Khen thế nào cho hay, cho ấn tượng? Khen thế nào cho hiệu quả dài lâu? Khen thế nào cho thật tâm và chân thành. Gần như chiếm trọn những gì mà nếu đọc lướt có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu cho rằng sách dậy bạn đi “Nịnh” người khác thì không phải.

“Sự khác nhau giữa cảm kích và tâng bốc nằm ở đâu? Rất đơn giản, điều này là thành thực còn điều kia thì không. Một điều xuất phát từ tấm lòng, một điều chỉ từ cửa miệng. Một điều vô tư, chân thành. Một điều ích kỷ, có mục đích. Một điều được mọi người cảm nhận, xúc động, một điều thì bị mọi người lên án.”

Thêm nữa, trong Đắc nhân tâm đa phần Nam Hải nhận thấy Dale Carnegie thường lấy ví dụ từ vị trí các nhà lãnh đạo, các bậc làm cha mẹ, hoặc các nhà kinh doanh. Những công việc ở vị trí quản lý, phải tương tác với nhiều người. Ở vị trí này, những lời khen thực sự rất cần thiết.

Một trong những giá trị bị chúng ta lãng quên nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày chính là sự cảm kích, trân trọng. Chẳng biết vì sao chúng ta cứ hay quên khen ngợi con cái mình khi chúng đem về nhà tờ giấy khen hay quyên sổ liên lạc ghi thành tích học tập tốt trong tháng qua… – Trang 63.

Hay như trong môi trường doanh nghiệp:

Làm tốt đến đâu, không một lời khen; sai lầm một lần, nhắc nhở suốt đời. Schwab chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa từng gặp người nào làm tốt công việc của mình nếu không có sự ủng hộ của người khác.” – Trang 58.

Ngoài ra, sách cũng nhấn mạnh nhiều yếu tố giao tiếp khác. Từ Cách lắng nghe, nhớ tên người đối diện, thanh thực nói lời xin lỗi, biết mỉm cười…. tất cả có trong chương nói về các phương thức tạo thiện cảm.

Đắc nhân tâm ẩn chứa nghệ thuật lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp.

Có phải bạn tin vào sáng kiến của chính mình hơn những sáng kiến của người khác mang đến tặng bạn? Nếu quả đúng như thế thì việc buộc người khác chấp nhận ý kiến của mình sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của bạn. Tốt hơn là đưa ra một vài gợi ý và để người khác tự đưa ra quan điểm của họ. Để người khác tin rằng chính họ mới là người đưa ra ý tưởng đầu tiên.

Tạo đồng thuận với đội nhóm, các phòng ban, ban lãnh đạo hay với đối thủ là nên tảng kỹ năng lãnh đạo để quản lý doanh nghiệp. Chúng ta là con người, lúc làm việc sao tránh được khó khăn, xô xát. Làm sao để mọi người đều “Đặt mình vòa hoàn cảnh của người khác” và hiểu nhau. Chỉ có như vậy mới tạo được đồng thuận. Không rõ Nam Hải đã từng đọc ở sách nào. Có một câu cũng rất hay như thế này: “Nếu không có sự hiểu lầm, có lẽ thế giới chẳng hề có chiến tranh.

Nghệ thuật lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp thực sự có rất nhiều sách hay. Các tác giả cũng đưa ra nhiều phương pháp thú vị mà theo Nam Hải biết là “Ma giáo” có, “Chân Phương” cũng có. Thời gian gần đây có rất nhiều đầu sách phân tích các khía cạnh quản lý theo kiểu thực dụng, lắt léo. Đọc cũng tốt. Biết thêm chiêu. Nhưng hậu quả thì nhiều chủ doanh nghiệp sẽ phải tự gánh vác. Thời đại của Tào Tháo trôi qua cũng hơn 2000 năm rồi nhỉ!?

“Ba phần tư những người chúng ta gặp ngày mai luôn đói khát sự đồng cảm và chia sẻ. Hãy cho họ điều đó và họ sẽ yêu mến bạn.” – Trang 238.

Trong Đắc Nhân Tâm, Nam Hải đánh giá là nghệ thuật lãnh đạo rất chân phương. Thay vì điều hành doanh nghiệp theo hướng áp đặt. Một trong những phương thức cổ điển của thời đại Dale Carnegie. Tác giả đã cố gắng đưa ra phương pháp tạo niềm tin, thấu hiểu và đồng thuận dựa trên thiện chí hai bên cùng có lợi và cố gắng. Phương pháp này nếu áp dụng tốt, các đội nhóm chắc chắn sẽ có tiền đề để thành công.

Tại sao Đặc nhân tâm có ảnh hướng rộng lớn tới thế giới như vậy?

Trước nhất vì đây là một quyển sách hướng dẫn bạn cách đối nhân xử thế, thu phục lòng người và sống thật tử tế. Đôi khi có những hành động bạn biết rồi, nhưng lại quên. Như như lời khen cho đồng nghiệp, lời khen dành tặng con, lời khen dành tặng cho bạn bè, lời khen dành tặng cho bố mẹ… những hành động đó rất có ý nghĩa với người nghe. Tạo ra lòng cảm thông, sự biết ơn, sự kinh trọng… và gắn kết gia đình, bạn bè, đội nhóm lại với nhau.

Tiếp nữa, cuốn sách sẽ rất hữu ích với bạn trên đường đời. Không ai thành công một mình cả. Trong công việc, học tập, rèn luyện… cách ứng xử khiêm nhường mà đầy tự tin. Biết lắng nghe và lôi cuấn người nghe vào một mạch chủ đề rất quan trọng. Kỹ năng đó lại ít khi được dạy ở trường. Mà có được dạy thì bạn cũng không thể học ngay được. Vì nó hoàn toàn là… thực hành. Đúng rồi đó! Bạn phải giao tiếp nhiều thì mới thành thục được.

Mục đích tối thượng của giáo dục”, như Herbert Spencer nói, “Không phải là kiến thức mà hành động.” – Lời nói đầu.

Kề từ khi được phát hành vào năm 1936, tới nay sách đã được xuất bản hàng triệu bản. Và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Nam Hải cũng tò mò xem tác phẩm đã được in bao nhiêu bản, Theo tờ The Financial Post thì tới 2008, tác phẩm đã được in khoảng 15 triệu bản. Thật đáng nể!

Đã tới với độc giả Việt Nam từ 1951, sách có lượng độc giả rất lớn. Trên tay Nam Hải là Đắc Nhân Tâm được in vào khoảng 12/2012, giấy in tốt, bìa cũng đẹp. Quyền này rất phù hợp với lứa tuổi 14+ tới 65 tuổi. Giá cũng rẻ. Làm quà sinh nhật cho các bạn học sinh cấp 3 là nhất rồi. Bạn nào mới đọc sách thì mua ngay về đọc nha!

Một vài đoạn trích từ “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie:

Nhà thông thái Ben Franklin thường nói: “Nếu bạn cố tranh cãi để thắng thì đây cũng chỉ là một chiến thắng vô nghĩa, bởi vì bạn sẽ không bao giờ nhận được thiện chí và sự hợp tác của đối phương.”

Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa. Chỉ trích còn có thể trở nên nguy hiểm vì nó chạm vào lòng kiêu hãnh cố chấp của mỗi con người, gây tổn thương tới ý thức về tầm quan trọng của họ và kết cuộc chỉ tạo nên sự tức giận, căm thù. Chỉ trích còn gây phản ứng chối bỏ trách nhiệm, đồng thời phát sinh tâm lý chán nản và nhút chí trong khi lỗi lầm vẫn không được giải quyết. – Trang 34.

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy. “Biết mọi thứ cũng có nghĩa là tha thứ mọi thứ.” Như tiến sĩ Johnson nói: “Ngay cả Chúa Trời còn không xét đoán một người chó đến phút cuối cùng của cuộc đời họ”. Vậy tại sao bạn và tôi lại làm điều đó? – Trang 47.

Tổng thống Lincoln viết: “Mọi người đều thích được khen ngợi” còn William James thì tin rằng: “Nguyên tắc sâu xa nhất trong bản chất con người là sự thèm khát được khen ngợi.” – Trang 51.

Harry A.Overstreet, trong tác phẩm Ảnh hưởng hành vi con người (Influencing Human Behavior), đã viết: “Mọi hành vi đều nảy sinh từ chỗ chúng ta căn bản muốn điều gì. Lời khuyên hay nhất dành cho những ai muốn thuyết phục người khác, dù là trong kinh doanh, trong gia đình, trường học, hay chính trường, đó là: Trước hết, hãy khơi gợi ở người mình nuốn ảnh hưởng ý muốn thiết tha. Ai làm được như thế sẽ có cả thê giới theo mình và không bao giờ bị cô độc.” – Trang 69.

Như đại văn hào Shakespeare đã viết: “… ôi con người, con người kiêu ngạo. Có được chút uy quyền… đã vội diễn trò ngông cuồng trước mặt Đấng Hóa Công để các vị thiên sứ phải rơi lệ.” – Trang 150.

Cách đây trên ba trăm năm, nhà thiên văn học Galileo đã nói: “bạn không thể dạy ai bất kỳ điều gì, bạn chỉ có thể giúp anh ta tìm thấy điều đó ở bản thân anh ta mà thôi”. – Tang 175.

Và một khi họ tham gia quyết định, họ sẽ chủ động thực hiện quyết định ấy một cách sáng tạo và tích cực nhất. – Trang 283.

Khi đưa ra yêu cầu, bạn nên trình bày dựa trên quan điểm quyền lợi của nhân viên. – Trang 311.

Nam Hải