Chủ nghĩa Khắc Kỷ Phong cách sống bản lĩnh và bình tâm là cuốn sách về chủ đề triết học của William B.Irvine được xuất bản 2009. Cuốn sách được công ty Thái Hà Book mua bản quyền và in ở Việt Nam từ năm 2020.
Sách triết học nhé! Cảnh báo trước rồi đấy.
Trước tiên, Nam Hải muốn nói với bạn rằng đây là một cuốn sách về phạm trù triết học – về một cách sống. Mình biết, triết học rất ít khi nằm trong danh mục đọc của các bạn trẻ. Phải tới tầm tuổi nào đó, khi bạn thấy rằng bản thân cần sống khác đi thì hẵng tìm tới những sách như cuốn này. Ý mình là cuốn sách này các bạn cần có trải nghiệm sống để đọc.
Theo Musonius, Chúng ta cần phải nghiên cứu triết học, vì nếu không thì chẳng còn cách nào khác để có thể sống tốt. – Trang 72.
Nhưng nếu bạn muốn đọc. Hoặc bạn đang trăn trở về bản chất thật sự của cuộc sống là gì? Tại sao bạn lại tồn tại trên cuộc đời này? Đó là lúc bạn nên đi gặp một nhà hiền triết. Tuyệt! Đây đích xác là một cuốn sách bạn nên cầm trên tay.
Với cuốn Chủ Nghĩa Khắc Kỷ, William B.Irvine viết rất lôi cuốn. Cảm giác khi đọc cũng giống như đọc một câu chuyện về nền văn mnh Hy Lạp, La Mã. Đương nhiên nội dung chính của cuốn sách vẫn mang tính hàm triết cao. Cuốn sách được chia làm 4 phần.
- Phần 1: Sự hình thành nên chủ nghĩa Khắc Kỷ.
- Phần 2: Các kỹ thuật tâm lý của chủ nghĩa Khắc Kỷ.
- Phần 3: Lời khuyên của các nhà Khắc Kỷ.
- Phần 4: Chủ nghĩa Khắc Kỷ trong đời sống hiện đại.
Có một luận điểm của tác giả mình không ưng lắm. Đó là William B.Irvine với bản tính ưa phân tích mọi sự đã lựa chọn thực hành chủ nghĩa khắc kỷ hơn là trở thành một thiền sư. Giá mà ông ấy đã lựa chọn cả hai thì sẽ hấp dẫn hơn. Hãy tưởng tượng William trọc đầu và thuyết giảng chủ nghĩa khắc kỷ. Thật hoàn hảo!
Chủ nghĩa Khắc Kỷ là gì?
Chủ nghĩa Khắc Kỷ là một trường phái triết học do Zeno xứ Citium thành lập vào khoảng những năm 300 TCN. Chủ nghĩa Khắc Kỷ là một triết lý sống, là một phương pháp sống giúp đạt tới hạnh phúc mà vẫn thuận theo tự nhiên. Mối quan tâm hàng đầu của chủ nghĩa Khắc Kỷ là đạo đức – việc sống đức hạnh và nhờ đó có một cuộc đời tốt đẹp. Ngoài ra thì các nhà Khắc Kỷ còn quan tâm tới lô gic và vật lý. Đây là ba thành phần chủ chốt trong triết lý của chủ nghĩa Khắc Kỷ.
Các nhà Khắc Kỷ đã đưa ra nhiều ẩn dụ để giải thích cho mối quan hệ giữa ba thành phần trong triết lý của họ. Ví dụ, họ khẳng định triết học Khắc Kỷ giống như một cánh đồng mầu mỡ, với “ Lô gic là hàng rào bao quanh, Đạo đức là cây trồng, còn Vật lý là đất”. Ẩn dụ này làm sáng tỏ vài trò trung tâm của đạo đức trong triết lý của họ: Trừ phí muốn có một mùa bội thu còn không thì làm sao phải bận tâm đến đất và xây hàng rào cơ chứ?
Nhà Khắc Kỷ đầu tiên
Nhà Khắc Kỷ đầu tiên làZeno (333-261 TCN) xứ Citium. Cha của Zeno là một lái buôn thuốc nhuộm, sau những chuyến đi ông thường mang sách về tặng cho Zeno. Trong số đó có những cuốn sách triết học của Athens. Vào khoảng năm 300 TCN, do bị đắm tầu, Zeno bị mắc kẹt ở Athens, và trong những lúc lang thang, ông quyết định tận dụng những nguồn lực triết học mà thành phố này mang lại. Ông theo học nhiều trường phái triết học ở đây.
Zeno học chủ nghĩa yếm thế từ Crates. Học Stilpo của trường phái Megarian. Ông cũng theo học Polemo ở học viện Academy, sau đó ông bắt đầu lập trường phái triết học riêng của mình. Triết học của Zeno khác biệt và tạo được tiếng vang. Học trò của ông ban đầu được gọi là Zenonian, nhưng vì ông có thói quen giảng bài ở Stoa Poikile, nên sau này họ được gọi là những nhà Stoic.
*Cái tên ‘Stoicism’ xuất phát từ Stoa Poikile (tiếng Hy Lạp cổ: ἡ ποικίλη στοά), hay ‘Dãy Cột Sơn’, một dãy cột lớn được trang hoàng bằng những hình vẽ tái hiện khung cảnh thần thoại và lịch sử, nằm ở phía bắc Agora, Athens, nơi Zeno và các môn đồ của ông tụ họp để bàn luận về những ý tưởng.
Sự phát triển của Chủ nghĩa Khắc Kỷ: Từ Hy Lạp tới La Mã.
Sau Zeno, Cleanthes (331-232 TCN), một học trò của Zeno tiếp tục lãnh đạo trường phái này. Khi Cleanthes già đi, ông bắt đầu để mất các học trò vào tay các trường phái khác và tương lai của chủ nghĩa Khắc Kỷ trở nên ảm đạm. Sau khi Cleanthes mất, vài trò lãnh đạo của trường phái Khắc Kỷ được truyền cho học cho của ông là Chrysippus (282-206 TCN), dưới sự dẫn dắt của Chrysippus, trường phái Khắc Kỷ đã lấy lại được vị thế như trước đây. Chrysippus truyền lại cho các nhà lãnh đạo sau, bao gồm Panaetius của Rhodes, người được ghi nhớ đến trong lịch sử của chủ nghĩa Khắc Kỷ không phải với vai trò của một nhà cách tâm mà là một người xuất khẩu triết học. Khi Panaetus tới Rome vào khoảng năm 140 TCN, ông mang theo chủ nghĩa Khắc Kỷ. Ông kết thân với vị tướng nổi tiếng Scipio Africanus và các quý ông La Mã khác, khiến họ quan tâm đến triết học, và do đó ông trở thành người sáng lập chủ nghĩa Khắc Kỷ La Ma.
Có một điều thú vị về chủ nghĩa Khắc Kỷ La Mã. Vì để có thể thu hút thêm học trò, các nhà hiền triết của Chủ nghĩa Khắc Kỷ đã biến tấu. Thay vì nói nhiều về đức hạnh, chủ nghĩa Khắc Kỷ La Ma hướng tới mục tiêu là có được sự bình thản. Điều đó hấp dẫn được nhiều môn sinh hơn!
Các nhà Khắc Kỷ Hy Lạp tin rằng cách hiệu quả nhất để khiến con người theo đuổi đức hạnh là làm cho họ hiểu được ra thứ gì mới là tốt. Nếu một người đã hiểu được những thứ thực sự tốt là gì, anh ta, vốn là một người có lý trí, nhất định sẽ theo đuổi chúng và nhờ đó mà trở nên đức hạnh. Do đó, các nhà Khắc Kỷ Hy Lạp cảm thấy không cần phải đề cập đến những kết quả phát sinh từ việc theo đuổi đức hạnh, bao gồm cả điều quan trọng nhất là đạt được sự bình thản.
Ngược lại, các nhà Khắc Kỷ La Mã cho rằng người dân La Mã sẽ không hiểu rõ tại sao bản thân nên theo đuổi đức hạnh. Họ cũng nhận ra rằng người dân La Mã theo bản năng sẽ coi trọng sự bình thản và do đó sẽ tiếp nhận các chiến lực để đạt được nó. Thê nên, các nhà Khắc Kỷ La Mã dường như đã đi đến kết luận rằng bằng cách lồng nghép sự bình thản bên ngoài đức hạnh – chính xác hơn là, bằng cách nhắm đến sự bình thản mà con người sẽ đạt được nếu theo đuổi đức hạnh – Họ sẽ làm cho học thuyết Khắc Kỷ trở nên hấp dẫn hơn với người dân La Mã.
Vài sự thật về chủ nghĩa Khắc Kỷ
Về cơ bản, chủ nghĩa Khắc Kỷ không phải là một tôn giáo. Dù rằng có điểm chung, những người đã coi chủ nghĩa Khắc Kỷ là một triết lý sống thì sẽ thực hành chúng hàng ngày.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ cũng không đối nghịch với cảm xúc. Về cơ bản, chủ nghĩa Khắc Kỷ tập trung vào việc cân bằng cảm xúc.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ về cơ bản, khuyên chúng ta nên tập trung vào những điều nằm trong khả năng, sống hòa hợp với xã hội.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ hướng chúng ta tới trạng thái không bị nhiễu loạn. Chủ động kiểm soát bản thân, hiểu và chấp nhận kết quả mà không sợ hãi hay giận dữ.
Người Khắc Kỷ nhìn nhân sự bình yên là khi bạn không để mình bị ngấu nghiến bởi những cảm xúc gây ra từ các tính xấu. Bình yên không phải là cứ luyện tập mà thành, nó được sinh ra vì bạn học hỏi và cải tiến bản thân để bao dung và yêu thương đồng loại.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ đề cao việc thực hành đức hạnh, và không vị kỷ là một yếu tố chủ chốt. Trong “sự kiên định của người sáng suốt” (On the firmness of the wise man), Seneca cho rằng những người sáng suốt luôn nhận thức được nỗi đau và mất mát cả về tinh thần lẫn thể xác, dù vậy nguyên tắc sống của họ vẫn không bị lay chuyển. Chỉ có như vậy, họ mới có thể thực hành đức hạnh.
Thực ra, Nam Hải cho rằng điểm thú vị của cuốn Chủ Nghĩa Khắc Kỷ nằm ở phần lý luận về thực hành chủ nghĩa Khắc Kỷ. Nhưng phần này tốt nhất là để cho độc giải tự trải nghiệm. Nam Hải sẽ không nói về nó. Những điều Nam Hải chia sẻ ở phía trên chỉ là để các bạn hiểu rằng mình đang tìm hiểu về cái gì thôi. Không đại diện đầy đủ cho nội dung của cuốn sách.
Sống bình thản – hãy biết cách từ bỏ những gì đã qua.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ khuyên nhủ chúng ta sống trong thực tại. Hài lòng với những gì mình đang có và nỗ lực hết sức mình để đạt được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong quá trình nghiên cứu về chủ đề ham muốn, tôi khám phá ra rằng các nhà tư tưởng đều nhất trí một điều, đó là nếu không vượt qua được những thói tham lam vô độ, không biết thỏa mãn của mình, chúng ta sẽ khó lòng có được một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa. Họ cũng nhất trí rằng cách thức hữu hiệu giúp chúng ta chế ngự xu hướng lúc nào cũng muốn có nhiều hơn là thuyết phục bản thân muốn những thứ mình đã có sẵn. – Trang 21.
Con người không hạnh phúc chủ yếu vì chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Sau khi nỗ lực để có được những thứ mình muốn, chúng ta thường mất hứng thú với đối tượng mà mình ham muốn thay vì cảm thấy thỏa mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán, và để đối phó với nỗi buồn chán này, chúng ta tiếp tục hình thành ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn.
Các nhà tâm lý học Shane Frederick và George Loewenstein đã nghiên cứu hiện tượng này và đặt tên là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc. – Trang 90
Bà xã mình bình luận về hiệu ứng này với một từ “nhờn”. Hiệu ứng “nhờn” với sự sung sướng. Đơn giản và dễ hiểu. Có điều hậu quả của hiệu ứng này với tâm lý của chúng ta rất lớn. Lớn hơn so với bạn tưởng tượng khá nhiều.
Một trích đoạn tâm đắc.
Sự thích nghi với khoái lạc có sức mạnh đập tắt niềm vui của chúng ta với thế giới.
Trẻ em có khả năng tận hưởng niềm vui một phần là bởi chúng không xem bất cứ thứ gì là đương nhiên. Đối với chúng, thế giới này mới mẻ và bất ngờ. Hơn nữa, chúng còn chưa biết rõ cơ chế hoạt động của thế giới này: Biết đâu những thứ chúng có ngày hôm nay sẽ biến mất một cách bí ẩn vào ngày mai. Chúng khó mà xem nhẹ một thứ gì đó khi chúng còn không biết chắc rằng nó có tiếp tục tồn tại nữa không.
Nhưng khi trẻ con lớn lên, chúng ngày càng chai lì. Đến độ tuổi vị thành niên, chúng có thể xem nhẹ gần như mọi thứ và mọi người xung quanh. Chúng có thể ca cẩm về cuộc sống, nhà cửa, cha mẹ, anh chị em. Và trong một số trường hợp cực đoan, những đứa trẻ này lớn lên trở thành những người trưởng thành không chỉ mất đi khả năng tận hưởng thế giới xung quanh mà dường như còn lấy làm tự hào với sự vô cảm này. Họ có thể đưa ngay cho bạn một danh sách dài những điều họ không thích ở bản thân và cuộc sống của họ… nếu hỏi họ trân trọng điều gì trên đời – liệu có bất cứ thứ gì làm họ thỏa mãn không? Sau một hồi suy nghĩ, họ có thể miễn cưỡng nêu ra một hai thứ.
Đây là một góc nhìn rất tâm lý về tuổi vị thành niên. Nhưng nó cũng kéo dài ở nhiều người trưởng thành. Nam Hải cũng từng gặp nhiều người chán cả thế giới. Họ đi tìm khoái lạc nhưng dường như chẳng bao giờ là đủ. Cho tới khi họ gặp “những tai họa có sức mạnh chuyển hóa”. Thường là tới khi họ có con hoặc bị bạo bệnh. Đó là lúc cuộc sống của họ mới thực sự thay đổi.
Cuối cùng, nếu muốn hiểu hơn về nền triết học Hy Lạp, có một cuốn sách nữa mà bạn có thể tìm đọc: Thế giới của Sophie.
Tham khảo:
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_kh%E1%BA%AFc_k%E1%BB%B7
- https://vietcetera.com/vn/5-hieu-lam-thuong-gap-ve-chu-nghia-khac-ky
Nam Hải