The 22 immutable laws of marketing (22 quy luật bất biến trong tiếp thị) là một cuốn sách mỏng nhẹ. Sách rất tốt cho những người bắt đầu trên con đường nghiên cứu bán hàng, tiếp thị, phát triển thương hiệu và kinh doanh.
Cuốn sách tiếp thị đáng đọc.
Nếu được bình chọn, sách về marketing “cần phải đọc” nhất thì theo Nam Hải là mấy quyển Marketing của Philip Kotler. Nếu như mới tìm hiểu về tiếp thị và còn trẻ tuổi thì bạn cũng nên đi theo hướng có tính học thuật một chút. Sách của Philip Kotler thường được các giảng viên khuyên đọc.
Nhưng nếu để làm cho ra ngô ra khoai, thì những sách như “22 quy luật bất biến trong marketing” bạn cũng nên tìm hiểu. Dù sao, Alries và Trout cũng cực kỳ nổi tiếng với dòng sách chiến lược tiếp thị. Mà nhị vị sư phụ này là làm thiệt, kiếm tiền của các tập đoàn to, rất đáng học hỏi. Cứ thử đọc Positioning nữa là sẽ rõ.
Thêm nữa, Cá nhân Nam Hải rất thích sách mỏng. Về cơ bản, độ dày không phản ánh được chất lượng nội dung. Cái chính là hàm lượng chất xám các vị sư phụ cô đọng lại trong đó. Theo như một triết gia nào đó đã nói: “Nếu không thể nói ngắn ngọn được thì là bạn chưa hiểu căn kẽ vấn đề.”
Công thức toán học là: “Sách mỏng = sách cô đọng”. Học lý thuyết nhanh còn thực hành. Tiết kiệm được cho sự nghiệp đèn sách rất nhiều thời gian. Ra chiến trường giảm thiếu được nhiều thất bại.
Nhưng Nam Hải cũng muốn cảnh báo. Một cuốn sách mỏng cũng có thể là một cuốn sách vô công rồi nghề, được viết ra với mục đích gây cười như của mấy tác giả rảnh rỗi người nhật. Chúng cũng rất mỏng và… mua rất phí tiền.
Các quy luật cổ điển nhưng luôn đúng.
Quay lại với 22 quy luật bất biến trong marketing, cuốn sách này bạn có thể đọc trong 30 phút – 1 giờ (Sách chưa tới 200 trang). Và có những kinh nghiệm bạn có thể áp dụng tới… cuối đời.
Quy luật 1: It’s better to be first than it is to be better. – Trở thành kẻ đầu tiên sẽ hơn là kẻ giỏi nhất.
Trong sách dịch là “người dẫn đầu”, nghĩa này mang tính tiếp diễn. Dịch đúng phải là “Người đầu tiên”, tức là chỉ có một cơ hội thôi. Còn những người đi sau có làm nữa, có dẫn đầu về thị phần thì cũng không thể có lợi thế như người đầu tiên. Mặc dù sách viết từ năm 1993, Nhà sách mua bản quyền từ 1996 và trên tay Nam Hải là bản in năm 2011. Nhưng lỗi này chưa được sửa. Kiểu lỗi về ngữ nghĩa này khó soát lắm. Cũng không trách dịch giả được.
NGƯỜI ĐẦU TIÊN – là nguyên tắc đầu tiên của tiếp thị. Tức là nếu như bạn là người đầu tiên đưa được sản phẩm đó ra thị trường thì bạn luôn được khách hàng đón nhận. Nếu sản phẩm của bạn tốt thì khách hàng sẽ nhớ tới bạn rất sâu, rất lâu. Bọn thứ 2, thứ 3, hay thứ N có giỏi hơn bạn, nhưng khách sẽ vẫn nhớ về bạn trước. Cái này liên quan rất nhiều tới vấn đề định vị sản phẩm. Trong cuốn Positioning, Alries và Jack Trout viết về vấn đề đó suốt thôi.
Theo đó, đương nhiên quy luật thứ 2 là: Nếu bạn không phải là NGƯỜI ĐẦU TIÊN trong thể loại sản phẩm nào đó thì… hãy tìm loại sản phẩm khác mà bạn có thể là NGƯỜI TIÊN PHONG.
If you can’t be first in a category, set up a new category you can be first in. – Nếu bạn không thể trở thành người tiên phong một ngành hàng, hãy tự tạo ra sản phẩm mới mà bạn có thể tiên phong.
Tức là, bằng mọi cách bạn phải là NGƯỜI ĐẦU TIÊN dù cho sản phẩm khác, phân khúc khác, thị trường khác, hoặc tự sáng tạo ra thị trường mới để làm người đầu tiên …. Còn nếu không được. Thì bạn sẽ đọc thấy quy tắc 3:
It’s better to be first in the mind than to be first in the marketplace. – Được khách hàng nhớ đến đầu tiên sẽ hiệu quả hơn là xuất hiện đầu tiên trên thị trường.
Sang tới quy luật 3 là căng rồi. Giờ hết cửa rồi. Phải cạnh tranh. Bằng mọi cách phải làm cho khách hàng nhớ tới mình trước tiên. Treo băng rôn; chạy site tour; tạo event độc lạ; đại hạ giá; bật loa ầm ầm hướng thẳng ra đường; mặc váy làm từ thịt bò như Lady Gaga… Thỏa sức sáng tạo. Làm gì làm! Khách hàng phải biết tới mình trước. Hoặc là toi.
Cuộc chiến tranh giành thị phần biến thương trường thành chiến trường. Trước Nam Hải làm việc ở siêu thị điện máy, có một anh sếp cũng tên Hải luôn. Anh ấy tốt nghiệp đại học tổng hợp khoa văn học. Sau này lập nghiệp buôn bán kinh qua nhiều ngành. Cạnh tranh khốc liệt, dày dặn kinh nghiệm. Anh ấy có nói một câu mà Nam Hải nhớ mãi: “Sale phải check giá đối thủ hàng ngày. Giá của mình cứ rẻ hơn giá của chúng nó 50 nghìn là được!”
Hai năm sau công ty của anh ấy phá sản.
Còn thêm nhiều quy luật nữa dành để bạn tự khám phá. Giúp bạn trên con đường kinh doanh đỡ vấp ngã. Quả thực là sách rất ngắn ngọn nhưng hai vị sư phụ cũng vẫn cho ví dụ diễn giải vô cùng chi tiết. Đương nhiên là sách cũ, gần 30 năm tuổi, Không có các ví dụ về các công ty mới nổi. Nhưng như Nagasawa trong tiểu thuyết Rừng Nauy đã nói. Sách càng cũ đọc càng sướng. Với trường hợp 22 quy luật bất biển trong marketing là rất chuẩn xác.
Kiến thức tiếp thị áp dung không chỉ trong kinh doanh đâu.
Tiếp thị là một bộ môn không chỉ áp dụng trong bán hàng, mà còn áp dụng nhiều trong đời sống. Giờ thì chắc bạn đoán vì sao mà tình đầu khó phai. Người đầu tiên… đáng ghét mà bạn cứ nhớ hoài.
Mọi vấn đề trong cuộc sống mà có dính dáng tới trao đổi, mua bán hay là dù bạn làm cán bộ, nhà diễn thuyết, phóng viên, bác sĩ, kỹ sư…. thì đều có bóng dáng của các nguyên tắc tiếp thị. Do vậy, học tiếp thị càng sớm càng tốt cho bất cứ ai chứ không riêng gì cho những người làm kinh doanh.
Quy luật số 18: Success often leads to arrogance, and arrogance to failure. – Thành công thường dẫn đến kiêu ngạo, và kiêu ngạo sẽ dẫn tới thất bại
Quan trọng hơn nữa, hãy luôn giữ trong mình cái đầu trống rỗng. Khát khao kiến thức mới. Thị trường luôn biến động. Nếu đã lỡ bước chân vào thương trường rồi thì thà bỏ tiền ra đọc sách còn hơn thất bại vài ba lần… tốn tới vài trăm triệu. Trong khi, cuốn sách này giá chỉ bằng một bát phở.
Vài lời bình về 22 quy luật bất biến trong marketing
Cuốn sách 22 quy luật bất biến trong Marketing này sẽ hướng dẫn bạn cách tránh những sai lầm ngay từ giai đoạn đầu tiên lên kế hoạch marketing. – First News.
Các quy luật marketing được chắt lọc một cách tinh tế, ngắn gọn và dễ hiểu… một cuốn sách thuộc loại “phải đọc” cho những ai làm marketing và kinh doanh – Don Valentine, phó chủ tịch hãng hàng không Southwest Airlines.
Những khái niệm marketing trình bày trong sách đặc biệt phù hợp với tình hình cạnh tranh khốc liệt của thương trường và nền kinh tế hiện nay. – Herman Cain, Chủ tịch của Godfather’s Pizza.
Nam Hải